Tiếng khóc ai oán cho nạn nhân tai nạn giao thông

Ký ức rợn người, tiếng khóc ai oán nạn nhân tai nạn giao thông

Những thân nhân của nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông luôn bị ám ảnh bởi những ký ức rợn người và tiếng khóc ai oán đằng đẵng, đeo bám họ đến suốt cuộc đời chỉ vì phút bất cẩn.
Ký ức rợn người, tiếng khóc ai oán nạn nhân tai nạn giao thông ảnh 1Những gia đình hạnh phúc bị thảm kịch tai nạn giao thông chia lìa, khiến họ uất ức khôn nguôi về sự sắp đặt của số phận. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Những khóe mắt đỏ hoe, dòng lệ tuôn trào trên má. Tiếng khóc ai oán, nghẹn ngào cho những số phận bất hạnh, ly tán người thân, xen lẫn trong tiếng kinh cầu siêu vang vọng gần xa nơi cửa phật hệt như những uất ức khôn nguôi về sự sắp đặt của số phận qua những vụ tai nạn giao thông khiến người ở lại quặn lòng suốt cuộc đời…

“Xé toang” mái ấm gia đình

Ngay từ sớm nay (8/11), tại Thiền viện Trúc Lâm Thiên Trường (Nam Định) đã có hàng nghìn phật tử trong màu áo nâu, xanh da trời từ khắp các miền quê đất nước dồn về đây để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông.

Bên trong tòa điện, những ngọn nến được thắp lên, leo lắt vang vẳng cùng tiếng mõ, tiếng kinh cầu khiến khung cảnh có phần lạnh lẽo, cô quạnh.

Ngồi chăm chú thành tâm niệm phật, đôi mắt đỏ quạch, hàng mi thâm quầng, chị Nguyễn Quỳnh Liên, Xuân Trường, Nam Định kể, gần 5 năm qua, chưa bao giờ nỗi đau mất chồng trong một vụ tai nạn khiến ​chị nguôi ngoai. Cũng vì thế, giấc ngủ mỗi đêm luôn bị giật mình bởi ký ức kinh hoàng đeo bám trong tâm trí.

Lấy chồng năm 28 tuổi, tưởng như cuộc sống viên mãn đến với người phụ nữ này sau 8 năm khi hai người có với nhau một người con trai 5 tuổi và bé gái 3 tuổi. Thế rồi, vào một ngày đầu tháng Tám âm lịch, một thảm họa ập đến đã “xé toang” mái ấm gia đình khi tai nạn giao thông cướp đi của chị người chồng đầu ấp tay gối, san sẻ cuộc sống thường nhật.

Khóc nấc từng tiếng, câu chuyện chị Liên kể cho chúng tôi nghe như một thước phim quay ngược về buổi sáng định mệnh khiến người chồng nay đã vĩnh viễn vùi lấp thân mình trong đất mẹ ngàn thu.

Trên đường đi xe máy về quê qua huyện Vũ Thư, Thái Bình, bất thình lình, một chiếc xe container mất lái, loạng choạng “liếm” sang hết phần đường dành cho người đi xe máy. Cú đâm trực diện khiến chiếc xe máy của chồng chị bị kéo lê hàng chục mét và nằm thọt lỏm trong gầm xe.

Nhận được tin báo, chị Liên vội vã đến nơi, chen chân vào đám đông đang tụ tập, chị như ngất lịm khi thấy xác chồng được đắp chiếu ven đường, hương khói nghi ngút. Ngay cạnh đó, chiếc quan tài lạnh lẽo cũng đã được chuyển đến để khâm liệm.

Chỉ trong phút chốc ấy, chị và người thân trong gia đình gần như ngã quỵ.

“Ăn xong bữa sáng, bố nó còn hứa tối về sẽ cho 2 đứa bé đi xem xiếc. Ấy thế mà điều ước duy nhất của hai cháu nhỏ cũng chưa thể thực hiện. Ngày đưa tang, đứa con trai lớn cứ hỏi sao bố đi lâu về thế?,” chị Liên vừa nói trong tiếc nấc nghẹn ngào.

Gắng gượng nuôi dạy, chăm bẵm hai con trong vài năm, mỗi tối trước khi đi ngủ, chị vẫn lật mở từng bức ảnh chụp chung gia đình, tận tay vuốt qua tấm ảnh có bóng hình người chồng chụp chung để cảm nhận được hạnh phúc từ kỷ vật duy nhất còn lại.

“Như lúc này đây, có thể, anh ấy đang ngồi một nơi nào đó trong tòa điện này để lắng nghe tôi nói chuyện về việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, những vất vả của việc làm mẹ đơn thân…,” chị Liên nghẹn ngào chia sẻ.

Những bữa cơm gia đình giờ đây chỉ còn 3 người. Chị vẫn lấy 4 chiếc bát, vẫn nấu những món ăn mà chồng chị ăn thường ngày như là một niềm an ủi “sống sao, chết vậy”. Đến giờ, chị Liên vẫn chưa thể tin được người đầu ấp tay gối hàng ngày bỗng chốc yên ngủ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người cầm lái chiếc xe định mệnh.

Kế bên chị, những người thân của nạn nhân tai nạn giao thông cũng liên tục chắp tay, niệm phật, nước mắt lưng tròng bởi những ký ức rợn người vẫn đeo đuổi và ám ảnh đến thực tại.

Hằn sâu nơi vành tang trắng

Ngồi lặng lẽ trong góc tòa điện, bác Trần Thị Hạnh, 62 tuổi ở Quảng Xương, Thanh Hóa hướng ánh mắt xa xăm về khoảng không trước mặt. Đôi mắt nhòe đi khi mỗi lần các sư thầy thỉnh kinh, niệm phật cho người xấu số vì tai nạn giao thông.

Nghe tin có buổi cầu siêu, bác Hạnh vội bắt xe ra Nam Định từ chiều 7/11, ngay sáng sớm, bác là một trong những người đầu tiên có mặt tại Thiền viện Trúc Lâm này.

Mở chiếc balo quân đội đã sờn màu, bác cho chúng tôi xem tấm ảnh về người con trai duy nhất đã về với ông bà, tổ tiên và bảo rằng, nó chưa làm tròn bổ phận một người cha và người con báo hiếu với bố mẹ khi tuổi già đã cận kề sớm chiều.

Ký ức rợn người, tiếng khóc ai oán nạn nhân tai nạn giao thông ảnh 2Thân nhân nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông cầu siêu để mong linh hồn người đã khuất được siêu thoát về miền cực lạc. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Sau dịp nghỉ lễ Tết Âm lịch, người con trai của bác về nhà bạn bè chơi và xin ấn đền Trần. Trên đường về Nam Định, một tài xế xe cá nhân 7 chỗ do uống rượu bia, không làm chủ được tốc độ và tử thần cướp đi đứa con trai duy nhất.

Nhá nhem tối, một giọng nói lạ điện về nhà, bác Hạnh giật mình khi biết tin, đứa con xấu số đã bỏ lại cha mẹ và người vợ trẻ trên thế gian này.

“Nó là đứa tự lập từ bé, chịu khó làm ăn và thương yêu vợ con, chưa bao giờ khiến bố mẹ thất vọng. Có ai hay chăng, người cha già run run bên tấm thân con không còn nguyên vẹn, trên vai vợ phủ mảnh khăn trắng, trên đầu con trẻ là chiếc khăn tang,” bác Hạnh ngậm ngùi khóc.

Giờ mỗi dịp Tết, nhìn thấy đứa cháu nội vui vẻ chơi đùa, miệng bi bô tập nói gọi mẹ, ông bà mà không có tiếng bố, cả nhà ai cũng rơm rớm nước mắt.

Cũng trong đoàn cầu siêu sáng nay, có rất đông các tăng ni, phật tử từ các tỉnh thành lân cận cũng tụ hội về đây để chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.

Bác Đỗ Thị Lan, 61 tuổi, ở Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình hòa chung cùng dòng người đến cầu siêu với mong muốn chia sẻ sự mất mát lớn lao đối với người thân của từng cá nhân, gia đình nạn nhân đang hiện diện trong buổi lễ cầu nguyện này hay ở khắp mọi phương trời của vạn nẻo đường, thôn quê, thành thị trên đất nước Việt Nam chúng ta.

Với những người mẹ, người vợ, tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời họ. Những giọt nước mắt và vành tang trắng vẫn còn đó là một lời nhắc nhở, thảm họa tai nạn giao thông như một “tử thần” đang cầm lưỡi hái có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào chỉ vì sự thiếu ý thức chấp hành Luật giao thông.

Và sâu thẳm trong lương tâm, họ chỉ dám thốt lên cụm từ “giá như..."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục