Năm 2013 là năm thứ ba triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của ngoại giao đa phương.
Một trong những minh chứng thể hiện sự tích cực chủ động đó là việc Việt Nam vừa trúng cử với số phiếu rất cao vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có buổi phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
- Ngoại giao đa phương là một trong những điểm sáng của chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời gian qua, với tư cách là Trưởng Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại một địa bàn quan trọng hàng đầu của ngoại giao đa phương, Đại sứ có thể giới thiệu sơ lược môi trường đối ngoại năm 2013 nói chung và địa bàn Geneva nói riêng?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Cùng với quan hệ song phương, ngoại giao đa phương Việt Nam đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam từng bước vững chắc và ngày càng chủ động tham gia vào các hoạt động của Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn ngoại giao đa phương.
Những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương tạo ra những cơ hội hữu hiệu giúp xử lý các vấn đề từ truyền thống đến phi truyền thống, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia và củng cố vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Năm 2013 có thể coi là một năm hết sức sôi động dù ở góc độ thách thức hay cơ hội. Khi thách thức đẩy lên cao trào như cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua thì hẳn sẽ xuất hiện cơ hội cho bình ổn, sự phục hồi và từ đó có sự tái cơ cấu.
Nhưng quan sát kỹ hơn lại thấy tưởng bình ổn rồi thì lại lấp ló đâu đó khả năng khủng hoảng kép, hay tưởng bình ổn rồi nhưng thậm chí có lúc mà cả chính quyền Mỹ không hoạt động được, hay vấn đề nợ công vẫn tiếp tục gây ra những căng thẳng ở nhiều trung tâm lớn, kể cả Trung Quốc.
Những dư chấn của những gì đã xảy ra từ trước đã đặt ra những vấn đề trước mắt và lâu dài. Thách thức từ các tâm chấn bây giờ lại lan sang các khu vực khác, thậm chí ở ngay cả các nền kinh tế mới nổi - từng được coi là động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vẫn biết xu thế toàn cầu hóa là chủ đạo, nhưng xu thế này đang trải qua những khúc quanh kịch tính. Dù không có cuộc biểu tình lớn chống toàn cầu hóa hay phong trào chiếm phố Wall như năm trước nữa, nhưng lại có những làn sóng ngầm tạo ra những thách thức cho vấn đề toàn cầu hóa.
Còn về vấn đề chính trị, tuy không có cuộc chiến tranh nào lớn nhưng những vấn đề mà có nước tưởng rằng mùa Xuân kia hoa sẽ nở, nắng sẽ bừng, thì bây giờ đã chuyển thành mùa Đông ảm đạm, đặc biệt là ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông.
Để có thể ứng phó với thách thức và biến nó thành cơ hội quả thực không dễ. Nếu muốn giải quyết vấn đề dài hạn, cải cách triệt để, lại vướng phải vấn đề trước mắt, muốn giải quyết cơ cấu là gặp phải những vấn nạn thất nghiệp, muốn cải cách để tạo ra sự cân bằng mới về thương mại, tài chính, lại gặp phải những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, tiến tới những thách thức chính trị. Mọi cải tổ đều liên quan đến thay đổi, sắp xếp lại lợi ích và đương nhiên dẫn đến sự phản ứng của các nhóm lợi ích.
Thậm chí ở trong một công ty thôi cũng rất là khó khăn, trước khủng hoảng phải đặt ra vấn đề sắp xếp lại, mổ xẻ và lột xác mình để tạo thế đứng trong tương lai, vẫn biết là thế nhưng liệu có mổ được không, có chịu đau được không, có hội đủ các cơ hội khách quan và chủ quan hay không.
Năm 2013 cũng là năm đặc biệt tại Geneva. Địa bàn này bao trùm nhiều lĩnh vực từ các vấn đề liên quan đến Liên hợp quốc, nhân quyền, WTO cho đến Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM)... trong số mấy chục tổ chức quốc tế lớn.
Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam tiến hành rà soát chính sách thương mại tại WTO sau 6 năm gia nhập. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc hỏi đáp trong WTO, mà chính là hàn thử biểu rất quan trọng đối với niềm tin của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam trong chặng đường sắp tới.
Kết quả tốt đẹp của cuộc rà soát thương mại lần này đã thể hiện rõ sự đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu và sự nghiêm túc của Việt Nan trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường cũng như trong việc đóng góp tích cực hơn nữa cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Bên cạnh lĩnh vực thương mại quốc tế, nhân quyền là mảng hoạt động rất quan trọng tại địa bàn Geneva. Tuy bỏ phiếu tại New York, nhưng mọi hoạt động của Hội đồng đến Văn phòng Cao ủy nhân quyền, và các thủ tục, báo cáo viên đặc biệt đều diễn ra tại Geneva. Đây vừa là cơ hội và thách thức cho các cán bộ đối ngoại Việt Nam tại đây.
- Liên hợp quốc và WTO là hai cơ chế quan trọng của ngoại giao đa phương tại địa bàn Geneva, Việt Nam vừa trúng cử với số phiếu cao nhất tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/11, Đại sứ có thể chia sẻ những nỗ lực đóng góp của các cán bộ đối ngoại trong việc thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ của Phái đoàn?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra đường hướng mới liên quan trực tiếp đến công tác ngoại giao đa phương, trong đó xác định đưa đất nước ta từ hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm trước đây chuyển sang "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế."
Chủ trương quan trọng đó đòi hỏi các cán bộ ngoại giao đa phương tại địa bàn Geneva phải nỗ lực vượt bậc để triển khai cụ thể, bài bản, quyết liệt, năng động sáng tạo hơn nữa thể hiện sống động hơn nữa trí tuệ, bản lĩnh và tư tưởng ngoại giao Việt Nam trong thời đại mới.
Muốn vậy, cần phải xác định rõ chủ động cái gì, ở đâu, tích cực như thế nào, bằng cơ chế và nguồn nhân, tài lực nào. Tràn ngập trong tâm, trí của cán bộ Phái đoàn là nhận thức về nhiệm vụ và những kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.
Geneva là một trong những địa bàn tiền đồn hàng đầu của đất nước Việt Nam trong việc triển khai đường lối đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập toàn diện và đây cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức. Thách thức là liệu có nhận thức quán triệt đầy đủ, đường lối chính sách không, và không chỉ dừng ở những chủ trương chung mà phải xác định là một chiến sỹ ngoài mặt trận phải biết dịch, biết chuyển để tạo ra những hiệu ứng thực địa, thực thi hiệu quả những chủ trương chính sách đó.
Quá trình triển khai bao giờ cũng là con đường hai chiều hết sức năng động, đó là thực tiễn hóa chủ trương và lấy thực tiễn sinh động để đóng góp củng cố hoàn thiện hơn nữa việc triển khai chủ trương chính sách trong thời gian tới.
Các cán bộ đối ngoại tại Geneva cần tiếp tục quan sát nắm bắt xu hướng của thế giới, nắm bắt cuộc chơi mới của thế giới để tìm ra được những điểm đặc thù, thế mạnh mà Việt Nam cần và phải bắt nhịp kịp thời nhằm thúc đẩy đảm bảo lợi ích của Việt Nam tốt hơn, hiệu quả và bài bản hơn.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đóng góp cho hệ thống đa phương. Chúng ta đã và đang làm điều đó thông qua con đường song phương, khu vực và liên khu vực như ASEAN, APEC, ASEM và các tổ chức toàn cầu đóng tại địa bàn Geneva cũng như tại New York...
Chúng ta đã có hướng đi, tầm nhìn đúng nhưng cũng phải đúc rút kinh nghiệm, đóng góp tham mưu, cố vấn chủ trương chính sách thiết thực hơn nữa.
Một bằng chứng nữa cho thấy sự tích cực chủ động của Việt Nam muốn tham gia đóng góp hơn vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, chính là số phiếu cao ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Số phiếu rất cao thể hiện vị trí, uy tín của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây cũng thể hiện sự trông đợi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong ít nhất là hai việc.
Thứ nhất là Việt Nam có nhiều thành tích và kinh nghiệm quý báu thì hãy đóng góp và chia sẻ. Trong số 192 nước thành viên Liên hợp quốc, có rất nhiều nước đang phát triển muốn lắng nghe, học tập kinh nghiệm của Việt Nam.
Giá trị về bảo vệ quyền con người là phổ quát nhưng điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội của mỗi nước khác nhau. Như mọi người thường chia sẻ chúng ta cùng dưới một bầu trời, nhưng mảnh đất tôi đứng, mảnh đất bạn đứng khác nhau.
Chúng ta không muốn làm quá kịch tính thực tế này để phủ nhận tính không thể chia cắt và tính phổ quát của quyền con người, nhưng chúng ta cũng đã chứng tỏ rằng cách tiếp cận của Việt Nam là hiệu quả dựa trên các giá trị chung cũng như các điều kiện thực tế.
Giải pháp cũng phải thực tế trên những hoàn cảnh thực tế để thúc đẩy bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả nhất mà Việt Nam là một trong những bài học bổ ích.
Thứ hai là Việt Nam cũng phải đóng góp hơn nữa bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm. Hôm nay Việt Nam đạt được kết quả tích cực ở ngưỡng này thì chúng ta lại tạo ra một sự trông đợi lớn hơn nữa cho ngày mai. Quá trình nhận thức và mở rộng diện hoạt động, tăng cường chiều sâu, nâng cao chất lượng luôn luôn là đòi hỏi hết sức thực tiễn.
Việc nâng cao nhận thức, khả năng phối hợp hiệu quả mọi công tác của Đảng và Nhà nước chăm lo thúc đẩy quyền con người từ cơ sở trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội, từ quốc hội cho đến thôn xã, từ miền ngược cho đến miền xuôi. Tôi nghĩ điều này chúng ta đã và đang đạt nhiều kết quả rất đáng kể và thế giới đang đợi chúng ta để chia sẻ, nhưng đồng thời chúng ta cũng có rất nhiều điều phải tiếp tục làm. Vào Hội đồng để bước tiếp vì chúng ta không phải đã đến điểm dừng chân.
- Với trọng trách là người đứng đầu cơ quan đại diện của Việt Nam tại Geneva, Đại sứ xác định sẽ phải tập trung vào những hướng chính nào để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngoại giao đa phương tại địa bàn trên cơ sở bám sát yêu cầu phát triển của đất nước?
Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Chính thức là từ ngày 1/1/2014, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, sau quá trình tập dượt mà đỉnh cao là việc bỏ phiếu ngày 12/11 vừa qua. Đây cũng là quá trình vận động để định vị cho Việt Nam trong ít nhất là ba năm tới.
Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền chỉ có 47 trên 192 thành viên với nhiệm vụ rất lớn. Đương nhiên chúng ta là thành viên mới và tham gia lần đầu nên công việc đầu tiên là cần nhanh chóng tiếp cận nắm bắt các nhiệm vụ chung, từ thủ tục cho đến nội dung chương trình nghị sự của mỗi cuộc họp, cũng như các công việc chuẩn bị cho quá trình dài hơi hơn.
Chẳng hạn như một trong những công việc của Hội đồng là tiến hành Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR) về thực thi thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Trong trường hợp có nước ra kiểm điểm, tiến hành bốc thăm Việt Nam trúng vào nhóm Troika (ba nước), Việt Nam phải hiểu đầy đủ tình hình để đóng góp vào công tác kiểm điểm này sao cho hiệu quả nhất.
Bản thân UPR là cơ chế tiến bộ hơn rất nhiều so với trước mặc dù vẫn còn những thách thức nhất định trước xu hướng chính trị hóa bởi một số nước, nhất là một số nước Phương Tây. Nhưng về cơ bản, UPR vẫn được nhìn nhận chung là tích cực. Tất cả các nước dù được coi là mạnh nhất, dù lớn tiếng nhất về nhân quyền thì vẫn phải chịu sự xem xét đánh giá, góp ý của những nước rất nhỏ. Việt Nam sẽ tham gia đóng góp vào những cơ chế đó.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các nghị quyết được đưa ra, trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến quyền con người và chỉ có những nước thành viên của Hội đồng được quyền bỏ phiếu. Là một trong 47 thành viên, Việt Nam phải thể hiện lá phiếu của mình trên các nghị quyết đó.
Vậy nên phải nắm bắt vấn đề nghị quyết này phục vụ mục đích gì, lợi ích chung là ở đâu, các ý kiến, quan điểm lập trường khác nhau như thế nào. Chúng ta phải cố gắng thúc đẩy để đảm bảo làm sao có được những nghị quyết tiến bộ, mang tính xây dựng.
Thậm chí ngay cả đối với một nghị quyết không được thông qua thì Việt Nam cũng phải đóng góp vào để đảm bảo việc bàn luận nghị quyết đó được tiến hành trong một không khí đối thoại, xây dựng tích cực, không thiên vị, không có sự áp đặt, phải có sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền.
Đây là cơ hội thể hiện tiếng nói Việt Nam khi đóng góp vào chính tiến trình này. Chúng ta có thể phấn đấu tham gia đóng góp vào các công việc văn phòng khác để đến một ngày kia chúng ta có thể được đề cử làm phó chủ tịch hoặc chủ tịch.
Không có lý do gì để chúng ta không khát vọng vào điều đó khi chúng ta có cách tiếp cận tích cực chủ động, thể hiện thế mạnh, tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam, tham gia đóng góp củng cố đối thoại xây dựng,tích cực, hợp tác bình đẳng chống áp đặt, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực từ nhận thức cho đến hành động trong hợp tác quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới.
Công việc trong ba năm tới là đồ sộ. Các cán bộ Phái đoàn luôn phải trong tư thế chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, thậm chí xuống tới các cơ sở, các tổ chức liên quan khác đến việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người.
Những kết quả đạt được vừa qua chính là nhờ thành công của đổi mới, của tầm nhìn xa, cũng như phối hợp hành động chặt chẽ, tạo ra sự nhất trí trong ý chí và hành động.
Chúng tôi rất tin tưởng kết quả đó sẽ được phát huy, để giúp cho Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại Geneva cũng như các cơ quan Việt Nam ở bên ngoài làm tốt tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016./.