Tiếp tục hé lộ những chi tiết mới trong vụ bê bối của Vatican

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, vụ ​bê bối "Vatileaks 2," biệt danh để chỉ những tài liệu nhạy cảm liên quan đến các bê bối của Vatican bị rò rỉ, tiếp tục có những diễn biến mới.
Tiếp tục hé lộ những chi tiết mới trong vụ bê bối của Vatican ảnh 1Hai quan chức bị bắt, ông Balda và bà Chaouqi. (Nguồn: ANSA)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, vụ ​bê bối "Vatileaks 2," biệt danh để chỉ những tài liệu nhạy cảm liên quan đến các bê bối của Vatican bị rò rỉ, tiếp tục có những diễn biến mới, với những cuộc điều tra liên quan đến các hoạt động tài chính mờ ám của một số cơ quan trực thuộc Tòa thánh.

Mặc dù người phát ngôn Tòa thánh Federico Lombardi tuyên bố rằng, vào thời điểm hiện tại, sau khi Vatican cho bắt hai quan chức thuộc Ủy ban kinh tế của Tòa thánh đã làm rò rỉ các thông tin tối mật, không có cuộc điều tra nào nữa diễn ra.

Tuy nhiên, báo chí Italy khẳng định rằng, hai cuộc điều tra khác vừa được tiến hành, nhắm vào Cơ quan quản lý tài chính và các tài sản của Tòa thánh (APSA) và Ngân hàng Vatican (IOR), sau khi những bằng chứng mới liên quan đến các hoạt động rửa tiền của các cơ quan này bị phanh phui.

Cơ quan điều tra của Vatican đã đề nghị các cơ quan điều tra của Italy và Thụy Sĩ phối hợp để tiến hành một cuộc điều tra vào Giampietro Nattino, người đứng đầu của ngân hàng Banca Finnat Euramerica, sau khi xuất hiện những chứng cứ cho thấy ông này đã sử dụng các tài khoản đứng tên của APSA để chuyển hơn 2 triệu euro sang Thụy Sĩ, chỉ vài ngày trước khi Vatican thực hiện các quy chế kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn nhằm chống rửa tiền. Điều tra của Vatican cho thấy, vụ chuyển tiền bất hợp pháp này có sự đồng lõa của một số nhân viên và quan chức của APSA.

Trong khi đó, Viện công tố Rome cũng tuyên bố mở một cuộc điều tra mới vào Paolo Cipriani và Massimo Tulli, nguyên Tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của Ngân hàng Vatican (IOR). Họ đã từng bị nhà chức trách Italy truy tố từ năm 2011 về những sai phạm nghiêm trọng trong các hoạt động của ngân hàng Vatican, trong đó có việc thực hiện hai vụ chuyển tiền trị giá tổng cộng 23 triệu euro với nguồn gốc đáng ngờ bị nghi là rửa tiền.

Theo Viện công tố Rome, IOR đã thực hiện các giao dịch ở Italy trong suốt 40 năm qua mà không được sự cho phép của Ngân hàng nhà nước Italy (BankItalia). Việc này kéo dài tới tận năm 2011, khi BankItalia tuyên bố với các tổ chức tín dụng rằng, họ không coi IOR là một ngân hàng trong khối EU.

Trước đó, các ngân hàng của Italy đã ngừng thực hiện giao dịch với IOR sau khi BankItalia yêu cầu họ phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế về chống rửa tiền.

Đầu năm 2013, BankItalia đã phong tỏa tất cả các giao dịch qua thẻ tín dụng và cây rút tiền trong Vatican để gây áp lực buộc IOR phải tuân thủ các nguyên tắc chống rửa tiền.

Mãi đến năm 2014, IOR mới hoạt động bình thường trở lại sau khi Vatican cam kết thực thi các nguyên tắc này. Trong nhiều thập kỷ, IOR đã bị cáo buộc có những hoạt động tài chính không minh bạch và không tuân theo các nguyên tắc cơ bản của việc chống rửa tiền.

"Vaticaleaks 2" trên thực tế nổ ra từ tháng 5, khi Vatican bí mật điều tra về việc làm thế nào mà những thông tin đầy bất lợi cho họ bị rò rỉ cho báo chí.

Nhưng vụ việc chỉ trở nên nghiêm trọng sau khi Tòa thánh cho bắt Đức cha người Tây Ban Nha Lucio Angel Vallejo Balda và chuyên gia PR hàng đầu Francesca Immacolata Chaouqui, hai thành viên của Ủy ban kinh tế và quản lý mà Giáo hoàng lập ra năm 2013 để điều tra về sự thiếu minh bạch trong các hoạt động tài chính của Tòa thánh.

Những người này bị buộc tội đã cung cấp các thông tin nhạy cảm về tài chính của Tòa thánh cho các nhà báo điều tra Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi để họ đưa vào hai cuốn sách bom tấn được phát hành ngày 5/11.

Báo chí Italy cho rằng, những chi tiết được đưa ra trong sách cho thấy, mặc dù Giáo hoàng Francis I đã nỗ lực tiến hành những cải tổ quan trọng và tiến hành minh bạch hóa các hoạt động tài chính của Vatican, nhưng những thay đổi thực tế trong Tòa thánh vẫn chưa xuất hiện.

Trong những ngày qua, các đoạn trích của hai cuốn sách này đã được báo chí Italy đăng tải, cung cấp một bức tranh sống động về những điều mờ ám trong nhiều hoạt động tài chính của APSA, cơ quan kiểm soát những khối bất động sản khổng lồ của Vatican, cũng như những sự lãng phí và thiếu hiệu quả trong việc quản lý các nguồn tiền của Tòa thánh ở IOR cũng như bản thân Ủy ban kinh tế và tài chính.

Đó là hai trong số những cuốn sách về Vatican được xuất bản trong những năm qua, đề cập đến hàng loạt những bê bối của Tòa thánh trong nhiều vấn đề, từ quản lý tài chính, những âm mưu và các cuộc đấu đá trong nội bộ Giáo triều, những phe phái chống đối các cải cách của Giáo hoàng và các bê bối liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em của nhiều giáo sỹ.

Hiện bà Chaouqui cũng đang bị một viện công tố điều tra về việc làm thế nào mà bà và chồng, một chuyên gia máy tính, có thể tiếp cận được nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến tài chính của Vatican như thế để cùng cha Balda tuồn ra ngoài.

Các nhà điều tra không loại trừ khả năng bà Chaouqui đã cung cấp cho Balda những thông tin này để chuyển cho các nhà báo, tạo điều kiện cho họ viết sách, như một cuộc trả thù cá nhân của cha Balda, sau khi đức cha này không được Giáo hoàng bổ nhiệm lên một chức vụ cao hơn. Ngoài ra, các cuộc điều tra dựa trên máy tính và điện thoại của cha Balda và bà Chaouqui bị thu giữ cũng cho thấy, họ có những tòng phạm trong nội bộ Vatican.

Mặc dù vậy, các giới chức Vatican tuyên bố rằng, các bê bối tài chính đang xảy ra này không thể ngăn cản Giáo hoàng tiếp tục thực hiện việc cải tổ nền tài chính của Tòa thánh. Hôm 4/11, Hồng y Angelo Becciu, một quan chức cao cấp của Vatican, nói với hãng tin ANSA: "Giáo hoàng đang rất buồn. Nhưng những gì đang xảy ra không thể làm cho ngài ngưng lại các cải tổ."

Kể từ sau khi lên nắm quyền vào tháng 2-2013, Giáo hoàng Francis I đã tiến hành một loạt các cải cách quan trọng nhằm lấy lại uy tín của Tòa thánh, trong đó có việc thành lập Ủy ban kinh tế và tài chính để rà soát lại các hoạt động tài chính của Vatican, đồng thời tiến hành một loạt biện pháp nhằm thực hiện minh bạch hóa các hoạt động của IOR và APSA./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục