Tiếp tục mở rộng, phát triển chiều sâu mạng lưới đối tác quốc tế

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là lực lượng hợp thành, là một trong ba chân kiềng của nền ngoại giao Hồ Chí Minh.
Tiếp tục mở rộng, phát triển chiều sâu mạng lưới đối tác quốc tế ảnh 1Bà Nguyễn Phương Nga. (Nguồn: Vietnam+)

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là lực lượng hợp thành, là một trong ba chân kiềng của nền ngoại giao Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, cùng với những thành tựu quan trọng của công tác đối ngoại nói chung, công tác đối ngoại nhân dân trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) là lực lượng chuyên trách đã đạt được những kết quả khích lệ.

Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

- Xin bà chia sẻ những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân trong năm 2018?

Bà Nguyễn Phương Nga: Năm 2018, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên tiếp tục được triển khai tích cực, có nhiều đổi mới, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh việc mở rộng và tăng cường các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp đã chú trọng kết hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch và một số lĩnh vực khác.

[Việt Nam 'đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại nhân dân']

Liên hiệp Hữu nghị đã cử trên 60 đoàn công tác nước ngoài, đón gần 1.400 đoàn (bao gồm các đoàn công tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài) với trên 3.000 lượt người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới vào thăm, làm việc, triển khai các dự án nhân đạo và phát triển.

Cùng với những hoạt động thường xuyên, Liên hiệp đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng cả song phương và đa phương như: “Gặp mặt hữu nghị mừng Xuân Mậu Tuất 2018;” phối hợp với Ủy ban Nhân dân và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình “Du Xuân hữu nghị 2018” tại tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước lớn, kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước Nhật Bản, Canada, Australia, Italy, Hà Lan, Bỉ, Malaysia; tổ chức thành công Triển lãm ảnh “Thành tựu công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc;” tham dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á-Âu.

Với vai trò là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp hữu nghị đã tích cực tuyên truyền, quảng bá về thành tựu đổi mới, chính sách đối ngoại, thu hút viện trợ của Việt Nam và việc sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải.

Giá trị viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được duy trì, năm 2018 ước đạt khoảng 280 triệu USD với hàng nghìn dự án, giúp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào công tác phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên hiệp Hữu nghị đã tiến hành tổng kết chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ giai đoạn 2013-2017, hoàn thành dự thảo Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn mới (2018-2025).

Về công tác thông tin đối ngoại, cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam, các phương tiện thông tin của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên, góp phần tích cực vào việc cung cấp thông tin cập nhật về các vấn đề trong nước, quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân ta với nhân dân thế giới.

Liên hiệp đã làm tốt việc củng cố và phát triển mạng lưới các tổ chức thành viên với 116 tổ chức, gồm 64 tổ chức hữu nghị song phương và đa phương với các nước, 52 tổ chức thành viên ở địa phương. Hoạt động các tổ chức Liên hiệp Hữu nghị ở địa phương đã và đang góp phần có ý nghĩa cho việc củng cố quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ở các tỉnh, thành phố.

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của đối ngoại nhân dân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước?

Bà Nguyễn Phương Nga: Thực tế hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và những kết quả đạt được là minh chứng sinh động cho đóng góp của công tác đối ngoại nhân dân vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Trước hết là cùng với Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã góp phần xây dựng, củng cố các mối quan hệ quốc tế ổn định, đi vào chiều sâu, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định thuận lợi cho việc phát triển toàn diện của đất nước.

Liên hiệp Hữu nghị, một lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, đang thực hiện rất có hiệu quả nhiệm vụ là đầu mối quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam từ lâu, song thực sự phát triển về quy mô và tổ chức từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa.

Hiện tại, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đã vận động được trên 4 tỷ USD, với hàng nghìn dự án lớn nhỏ, trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, song chủ yếu là trong các lĩnh vực nhà nước đã quan tâm đầu tư nhưng chưa đủ nguồn lực như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực cho các đối tác Việt Nam.

Chỉ tính riêng khía cạnh tài chính, giá trị viện trợ khoảng 300 triệu USD hàng năm, tương đương với ODA không hoàn lại mà Việt Nam nhận được, là một nguồn lực không nhỏ đối với một đất nước còn nhiều khó khăn như chúng ta.

Một khía cạnh nữa mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đem đến cho Việt Nam là xây dựng năng lực. Các đối tượng hưởng lợi bao gồm đa dạng các tầng lớp, từ những người dân được đào tạo về kỹ thuật, kiến thức làm kinh tế, cán bộ địa phương, cán bộ dự án được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ... Các mô hình mới như phát triển nông thôn tổng hợp, phát triển cộng đồng cũng đóng góp không nhỏ trong hiện đại hóa nông thôn, nâng cao sinh kế người dân.

Bên cạnh đó, đây là một kênh quan trọng để Liên hiệp Hữu nghị truyền tải thông tin về các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện quyền con người, công bằng xã hội, phát triển kinh tế xã hội thông qua hoạt động hỗ trợ nhân đạo và phát triển tại Việt Nam, giúp các chuyên gia, nhà tài trợ nước ngoài có cái nhìn khách quan hơn về tình hình Việt Nam, ghi nhận những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong quá trình đổi mới, về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời những khó khăn, thách thức Việt Nam đang gặp phải từ đó có định hướng hợp tác hiệu quả hơn. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục là kênh chính trị đối ngoại quan trọng, trực tiếp góp phần hoặc hỗ trợ Việt Nam chuyển tải các thông điệp hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tới thế giới.

- Các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt là hoạt động đối ngoại đa phương không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra bên ngoài, mà còn đóng góp nhất định cho phong trào nhân dân khu vực và thế giới. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Bà Nguyễn Phương Nga: Điều này hoàn toàn đúng. Là một lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, với phương châm “Chủ động - Linh hoạt - Sáng tạo - Hiệu quả,” Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương, đặc biệt là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) và Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (AEPF).

Cùng với đó, thông tin giới thiệu về đất nước, con người, thành tựu và chính sách của Việt Nam, đấu tranh có hiệu quả với các lập luận xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích quốc gia của ta như hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nguồn nước sông Mekong, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam...

Tại các cơ chế truyền thống như Hội đồng Hòa bình Thế giới, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á-Phi (AAPSO), qua các hoạt động kỷ niệm “Ngày Quốc tế vì hòa bình,” ta đã thể hiện rõ vai trò tích cực của Việt Nam, đóng góp nhiều sáng kiến thúc đẩy hòa bình, đoàn kết hữu nghị ở khu vực và trên thế giới.

Bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ lập trường nhất quán của ta đoàn kết với các lực lượng hòa bình thế giới bảo vệ hòa bình, luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh, vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa khủng bố và hỗ trợ nạn nhân chiến tranh. Đặc biệt, trong năm 2018, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã chủ động tổ chức Hội thảo về “tăng cường đoàn kết nhân dân quốc tế vì hòa bình-an ninh và phát triển bền vững,” được bạn bè hoan nghênh.

- Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân, bà có thể cho biết, trong năm 2019, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào để tiếp tục có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại chung trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước?

Bà Nguyễn Phương Nga: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động lớn đến hoạt động đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 và những năm tới. Theo đó, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.

Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả của các cơ chế phối hợp nhằm đẩy mạnh quan hệ nhân dân với các nước láng giềng, ASEAN; các nước các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống theo hướng hình thành các khuôn khổ hợp tác ổn định, thiết thực. Đồng thời, Liên hiệp Hữu nghị cũng tăng cường các hoạt động thông tin, giao lưu, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương của Việt Nam với các nước, tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ, liên hoan nhân dân cả ở cấp Trung ương và địa phương với nội dung thực chất hơn nữa nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, củng cố tình hữu nghị, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tập trung thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân trong khuôn khổ ASEAN, thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với một số nước đối tác.

Trong công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp Hữu nghị tiếp tục thực hiện tốt chức năng là Cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Liên hiệp sẽ tiếp tục tập trung quán triệt, hướng dẫn và triển khai thực hiện các văn bản pháp quy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài liên quan đến hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; đề xuất các biện pháp để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.

Đặc biệt, Liên hiệp Hữu nghị sẽ tích cực triển khai Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến năm 2025 sau khi được ban hành.

Bên cạnh đó, Liên hiệp Hữu nghị sẽ chủ động thông tin, trao đổi với các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài về nhu cầu và ưu tiên trong hợp tác phi chính phủ nước ngoài, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để đổi mới công tác quan hệ và vận động phi chính phủ nước ngoài theo hướng đa dạng hóa các đối tác, phương thức vận động. Cùng với đó, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân đang thực hiện chương trình, dự án tại Việt Nam; mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có uy tín và tiềm năng để tăng cường hợp tác.

Liên hiệp Hữu nghị cũng từng bước nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại. Theo đó, Liên hiệp sẽ chú trọng cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, tăng số lượng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại; hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin; đầu tư xây dựng các sản phẩm thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng. Liên hiệp Hữu nghị tăng cường thông tin về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về quyền con người, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, chính sách đối ngoại, chủ quyền biển đảo.

Đồng thời, Liên hiệp tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu về các phong trào nhân dân thế giới và tác động của tình hình thế giới hiện nay đến phong trào nhân dân thế giới, đối ngoại nhân dân, đề xuất kiến nghị tham mưu với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, chiến lược triển khai đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới.

Chúng tôi sẽ nỗ lực đổi mới phương thức quản lý, phong cách, quy trình làm việc để xây dựng Liên hiệp Hữu nghị thực sự hiệu quả, chuyên nghiệp, đáp ứng đúng yêu cầu đối với một cơ quan thường trực, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các hội thành viên. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông qua nâng cao chất lượng công tác tập huấn, đào tạo cán bộ cho Liên hiệp Hữu nghị và cán bộ của các hội thành viên cả về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho công tác đối ngoại nhân dân, đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục