Tiếp tục nghiên cứu về đường sắt cao tốc Bắc Nam

Theo Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Chính phủ chưa có chủ trương đầu tư cũng như hành động nào triển khai đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Ngày 31/8, người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhằm tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang thuộc dự án trên và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Nội Bài.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khởi động dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khẳng định Chính phủ chưa có kế hoạch và chủ trương đầu tư, chưa có bất cứ hành động nào để triển khai dự án.

Chính phủ chủ trương tiếp tục nghiên cứu dự án để làm rõ những vấn đề liên quan đến quy mô, công nghệ, nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động môi trường, xã hội... mà báo cáo khả thi trình Quốc hội vừa qua chưa nêu hết.

Việc chuẩn bị nghiên cứu các đề án, phương án là cần thiết, còn việc đầu tư như thế nào thì phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, xem xét về thời điểm, tính khả thi, sức chịu đựng của nền kinh tế của đất nước, dự án có khả thi mới bàn đến đầu tư, ông Hồ Nghĩa Dũng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh mới đang ở bước nghiên cứu để lập dự án và không sử dụng vốn Nhà nước mà sử dụng nguồn vốn ODA, không có bất cứ sự ràng buộc nào hay thỏa thuận nào về việc nghiên cứu với đầu tư dự án, việc chọn nhà đầu tư, công nghệ là chưa xác định.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng việc khởi động dự án là cần thiết, nhất là việc sớm triển khai dự nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Nội Bài để phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông của Thủ đô và nâng cấp mở rộng sân bay Nội Bài.

Về lâu dài, cần phải có tuyến đường sắt Bắc-Nam thứ hai, còn công nghệ nào, cao tốc hay tốc độ cao, thời điểm đầu tư... còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.

Bộ Giao thông Vận tải đang làm việc với tư vấn JICA (Nhật Bản) để đàm phán, thống nhất nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án.

Xung quanh các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin, ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết hiện bên cạnh việc tái cơ cấu, củng cố toàn diện tập đoàn, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra toàn diện tập đoàn và từng cá nhân, qua đó đã phát hiện có dấu hiệu sai phạm của  hai Ủy viên Hội đồng quản trị là tân Tổng Giám đốc và Trưởng ban kiểm soát của tập đoàn.

Trên cơ sở ý kiến của của cơ quan điều tra, Thủ tướng đã cho ý kiến đình chỉ công tác của ông Trần Quang Vũ và Trần Văn Liêm để phục vụ công tác điều tra.

Làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp và đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng phương án tái cơ cấu nợ cho Vinashin và xác định số vốn điều lệ.

Ngân hàng Nhà nước đang rà soát dư nợ của từng tổ chức tín dụng đối với Vinashin, tổng số nợ của tập đoàn này là 86.000 tỷ đồng, tổng tài sản là 104.000 tỷ đồng.

Tái cơ cấu nợ trước hết là ưu tiên trả lương và bảo hiểm cho người lao động, quá trình đó đang được triển khai tốt nhất trong toàn tập đoàn để người lao động yên tâm làm việc. Chỉ cần tiếp cận được vốn, các dự án sẽ quay trở lại với Vinashin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Vấn đề quy hoạch trục Thăng Long (nay là trục Hồ Tây-Ba Vì) cũng được Bộ trưởng Bộ Giao thông làm rõ theo hướng cần một quy hoạch lâu dài để giữ quỹ đất, bảo đảm cho giao thông vận tải và kết nối không gian kinh tế, văn hóa.

Việc quy hoạch quỹ đất dành cho các cơ quan hành chính nhà nước ở Ba Vì không có nghĩa là quy hoạch một trung tâm hành chính nhà nước ở trên đó./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục