"Tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC"

Chủ tịch nước dự Hội nghị Cấp cao APEC lần này nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại, tiếp tục phát huy vai trò VN trong APEC.
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tổ chức tại Vladivostok, Liên bang Nga, từ ngày 6 đến ngày 9/9 tới. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Đây là Diễn đàn hợp tác về kinh tế, hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tự do hàng hóa thương mại và đầu tư và bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, APEC năm 2012 đang đối mặt tình hình chính trị, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vòng đàm phán Doha chưa có tiến triển. Tuy còn nhiều khó khăn, song châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, liên kết cũng như trong đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do, được các nước lớn coi trọng và thúc đẩy quan hệ. Diễn đàn APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của châu Á-Thái Bình Dương, hội tụ 21 nền kinh tế thành viên trong đó có 9 thành viên của G20, chiếm 59% dân số thế giới, đóng góp hơn 50% GDP và 57% thương mại toàn cầu. Các thành viên đều coi trọng hợp tác trong Diễn đàn. Trong 14 năm kể từ khi gia nhập APEC (11/1998) Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và các hợp tác khác. Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống chủ nghĩa khủng bố... Bên cạnh việc tham gia, đóng góp tích cực tại các Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng hàng năm, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công APEC năm 2006, đặc biệt là Hội nghị cấp cao 14 tại Hà Nội (11/2006), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế 18 (11/2006), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC; 6 Hội Nghị Bộ trưởng chuyên ngành (thương mại, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, du lịch, tài chính và ngân hàng, phát triển bền vững); ba đợt Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) và hàng trăm cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành. Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp cho hoạt động của các nhóm công tác, xây dựng các Chiến lược và Kế hoạch hành động của APEC trong tất cả các lĩnh vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết của APEC, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến mới, đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Nhóm công tác y tế kỳ 2009-2010. Việt Nam tham gia APEC 2012 có nhiều nét mới với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được đẩy mạnh sau chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Liên bang Nga tháng Bảy vừa qua và hai bên đang tích cực thúc đẩy Tuyên bố khởi động đàm phán FTA Việt Nam-Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan trong dịp Hội nghị Cấp cao APEC 20. Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trong APEC ngày càng được nâng cao, các thành viên đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong năm 2012 và nhất trí ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch nhóm công tác APEC về Đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013... Ngoài ra, các nội dung hợp tác của APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam (tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, ứng phó với thiên tai) đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
"Tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC" ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Hội nghị cấp cao APEC 2011 tại Hawaii, Mỹ (Ảnh: Nguyễn Khang-TTXVN)
Dự kiến tuần lễ Cấp cao APEC 2012 sẽ diễn ra với bảy nội dung gồm Liên hoan thanh niên APEC; Hội nghị các quan chức cao cấp APEC (CSOM); Hội nghị ABAC lần thứ 4; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 24; Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO summit) với chủ đề "Xử lý thách thức, mở rộng khả năng;" Đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC; Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần 20 với chủ đề "Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng." Ngoài ra, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần thứ 8 cũng sẽ diễn ra trong dịp này. Chủ tịch nước tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần này nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại, tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong Diễn đàn APEC thông qua tích cực đóng góp vào hợp tác APEC và các nội dung lớn của Hội nghị, phát huy những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh; tranh thủ các chương trình hợp tác APEC để phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đồng thời thúc đẩy hợp tác và tranh thủ ủng hộ của APEC trong những vấn đề an ninh, phát triển của Việt Nam./.
Bùi Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục