Tiếp tục sửa các Luật về thuế để phù hợp với xu thế hội nhập

Các đại biểu Quốc hội đã nêu những ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Tiếp tục sửa các Luật về thuế để phù hợp với xu thế hội nhập ảnh 1Đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Yên-Đồng Nai-Bắc Giang thảo luận tại tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 27/10, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã trao đổi với phóng viên về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.

Các Luật về thuế đã có những bước cải tiến

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các điều khoản liên quan đến thuế lần này như thuế giá trị gia tăng hay công tác quản lý thuế… là những điều khoản rất phù hợp với diễn biến thực tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam đang hội nhập khá sâu rộng với kinh tế của thế giới.

Cụ thể cuối năm 2015, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế Asean. Năm 2018, các dòng thuế của Việt Nam sẽ phải thực hiện theo WTO, tham gia hiệp định TPP. Do đó, các Luật về thuế của Việt Nam cũng cần sửa đổi để phù hợp với xu thế hội nhập trong thời gian tới.

Chúng ta cần có điều chỉnh về thời gian nộp thuế, làm sao thời gian ngắn và các thủ tục trong việc nộp thuế cũng phải cải cách làm sao cho thuận lợi. Bên cạnh đó, việc áp dụng Chính phủ điện tử trong vấn đề nộp thuế là rất cần thiết.

Đối với thuế phi nông nghiệp, từ trước đến nay chúng ta thu 50.000 đồng mỗi năm cho mỗi hộ mà thủ tục hành chính rất mệt mỏi, trong khi nguồn thu không tương thích với chi phí bỏ ra, cho nên Chính phủ đề nghị miễn thuế này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng đó là điểm rất hợp lý.

Về dịch vụ Taxi Uber hay Grab taxi, cũng cần xem xét bởi dẫu sao Uber, Grab đã có chất kích thích mới để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho người tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên, ngược lại, mặt trái của nó là tạo sự cạnh tranh không cân bằng với các hãng taxi trong nước.

Những doanh nghiệp này đảm bảo đóng thuế và nhiều dịch vụ khác đảm bảo an toàn cho khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những công nghệ mà Uber hay Grab đang làm để cho người tiêu dùng thuận lợi hơn khi sử dụng taxi.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần dung hòa việc này. Một bên thì chúng ta quản lý chặt chẽ hơn đưa vào những điều kiện để cho các doanh nghiệp quốc tế phải theo Luật của Việt Nam và chấp hành tốt đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, cần xem xét, so sánh với các nước trong khu vực Asean, ví dụ như Thái Lan, Malaysia… để đặt dòng thuế của Việt Nam chung với những nước này. Từ đó, dẫn đến việc Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế. Lần này, các Luật về thuế đã có những bước cải tiến.

Tình trạng doanh nghiệp “chây ỳ” không nộp thuế là có xảy ra

Theo đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), phải xử lý dứt điểm đối với những công ty chưa cổ phần hóa nhưng “găm tiền” lại cho đến khi xóa nợ. Cần phải giới hạn những doanh nghiệp xóa nợ lại, để cho doanh nghiệp không có kỳ vọng "găm" gì cả.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là doanh nghiệp Trách nhiệm hữu hạn trừ khoản nợ mà Nhà nước bảo lãnh, còn khoản nợ khác doanh nghiệp phải tự trả và cần thiết thì doanh nghiệp phải tự phá sản.

Hiện nay, những quyết định này đã có trong từng đề án mà Chính phủ đã phê duyệt cho từng Tổng công ty, từng doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi: "Mức 0,03% tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế, đấy là cao hay thấp? Tôi cho rằng, chúng ta nói cao hay thấp là cách nói tương đối. Tôi được biết, tình trạng doanh nghiệp 'chây ỳ'không nộp thuế là có xảy ra, hình thức phạt nộp tiền thuế chậm chỉ mang tính chất là răn đe." 

Theo ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch là không nên máy móc bởi doanh nghiệp phải đi vay để trả nợ, nhất là những khoản thuế doanh thu thì cơ quan quản lý thuế cũng nên xem xét. Hình thức nộp phạt chỉ cần thiết đối với doanh nghiệp có khả năng muốn chiếm dụng vốn Nhà nước./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục