Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chiều 29/10, hội thảo về đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đã được tổ chức.
Chiều 29/10, Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tiêu chí và phương pháp sơ kết Nghị quyết số 900/UBTVHQH11 ngày 21/3/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội  Uông Chu Lưu nêu rõ, Nghị quyết số 900/UBTVQH11 được ban hành nhằm cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có bước đổi mới quan trọng và chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Công tác thi hành pháp luật được quan tâm và chú trọng hơn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực bức xúc của cuộc sống, qua đó đã khắc phục được nhiều sơ hở, khiếm khuyết của các văn bản pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hệ thống pháp luật và công tác thực thi pháp luật vẫn còn những tồn tại, bất cập so với yêu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhiều lĩnh vực quan trọng vẫn chưa có luật điều chỉnh.

Một số quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu ổn định và có tính khả thi thấp. Một số đạo luật đã được ban hành quy định còn quá chung, chưa phát huy được hiệu quả mong muốn. Nhu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn rất lớn, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi năng lực và nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế. Nhiều định hướng và giải pháp tiếp tục cải cách pháp luật cho thập niên tới chưa được xác định, đề cập đầy đủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, phạm vi và nội dung của Nghị quyết 48 rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm thực hiện của nhiều cơ quan, tổ chức nên để bảo đảm việc sơ kết được triển khai có hiệu quả, đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả thực hiện Nghị quyết, xác định đúng nhu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cho giai đoạn tới, việc tổ chức hội thảo này là việc làm rất cần thiết.

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết, trên cơ sở sở đánh giá những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, bất cập, những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra để góp phần vào việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong những năm tiếp theo; đồng thời nghiên cứu đề xuất chủ trương, biện pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó, chú trọng tới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế phối hợp thực hiện.

Nội dung sơ kết tập trung vào 5 nội dung lớn là: Xây dựng pháp luật; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường khả năng tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Tại hội thảo, 11 tham luận được trình bày và gửi tới các đại biểu, đưa ra những kiến nghị, đề xuất về phương pháp, cách thức triển khai các nhiệm vụ sơ kết; tiêu chí, nội dung sơ kết...nhằm phục vụ công tác của Ban chỉ đạo sơ kết cũng như hướng dẫn việc triển khai công tác sơ kết của các cơ quan, tổ chức hữu quan../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục