Tiếp vụ việc 70 cá thể tê tê đang “chết mòn” chờ thông tư liên tịch

Sau hơn 2 tháng “kêu cứu,” 70 cá thể tê tê được giải thoát từ hoạt động buôn bán bất hợp pháp về Vườn quốc gia Cúc Phương vẫn đang phải “sống mòn” trong các bao lưới chờ Thông tư liên tịch "ra đời."
Tiếp vụ việc 70 cá thể tê tê đang “chết mòn” chờ thông tư liên tịch ảnh 170 cá thể tê tê đạt tiêu chuẩn sức khỏe đang chờ thả về rừng. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã cung cấp)

Sau hơn 2 tháng “kêu cứu,” đến nay, 70 cá thể tê tê được giải thoát từ hoạt động buôn bán bất hợp pháp về Vườn quốc gia Cúc Phương vẫn đang phải “sống mòn” trong các bao lưới, trong khi cơ quan chức năng liên tiếp kêu khó vì chưa thể thống nhất được hướng tái thả loài “sách đỏ” này về rừng.

Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus vào chiều 19/10, đại diện Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thời gian qua, Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp bàn, tuy nhiên việc tái thả tê tê về rừng là vấn đề "xương xẩu," rất khó giải quyết.

Đại diện Vụ Bảo tồn Thiên nhiên cũng cho biết, để giải quyết dứt điểm thì cần phải xây dựng một cái Thông tư hướng dẫn, hay văn bản quy phạm pháp luật để có thể “cân nhắc” đối với những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, để xây dựng được Thông tư, hay văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn này là rất khó, và phải mất đến 2 năm.

Trước đó, như báo VietnamPlus đã đưa tin, trong tháng Tám vừa qua, Chương trình Bảo tồn và Nghiên cứu Thú ăn thịt và Tê tê (một chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Tổ chức Trung tâm Nghiên Cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã) đã cứu hộ hơn 60 cá thể tê tê từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Cộng với số tê tê đang được chăm sóc, tại trung tâm này có 70 cá thể đạt tiêu chuẩn sức khỏe để được tái thả về tự nhiên.

Tuy nhiên, việc tái thả các cá thể tê tê này đã không được cơ quan chức năng chấp thuận, bởi xét theo Điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự 2003: “Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định. Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố, do Viện kiểm sát quyết định. Tương tự, Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử.”

Tiếp vụ việc 70 cá thể tê tê đang “chết mòn” chờ thông tư liên tịch ảnh 2Chi phí thức ăn rất cao, mỗi cá thể tê tê ăn hết 1.410.000 đồng/tháng. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã cung cấp)

Theo quyết định trên, thì việc động vật hoang dã sau khi tịch thu là vật chứng của vụ án và chỉ có quyết định tịch thu và xử lý sau khi vụ án kết thúc. Do đó, động vật chỉ được thả lại tự nhiên sau khi vụ án được xử lý. Hệ quả của việc lưu giữ động vật lâu dài dẫn đến phần lớn động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ chết tại cơ quan bảo quản tang vật hoặc các cơ sở cứu hộ.

Trước thực tế trên, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã đã kiến nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bổ sung, Ủy ban Tư pháp Quốc hội bổ sung vào điều 79, khoản 1 Bộ luật tố tụng hình sự (Sửa đổi, bổ sung) bảo quản vật chứng: “Vật chứng là động vật hoang dã còn sống thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm, sau khi bị bắt giữ cần được lập hồ sơ xác định tên loài, số lượng, lưu lại hình ảnh, rồi tiến hành tái thả về tự nhiên hoặc giao cho các cơ sở cứu hộ để chăm sóc trước khi đảm bảo điều kiện để tái thả lại tự nhiên.”

Tuy nhiên, cứ kéo dài ngày nào thì số phận của các cá thể tê tê nói trên càng xấu thêm ngày đó. Theo ông Trần Quang Phương, cán bộ Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê, tê tê là loài sống đơn lẻ. Vì thế, khi nhốt nhiều hơn 1 cá thể trong một chuồng sẽ gây hiện tượng ức chế, căng thẳng, dẫn đến bị chết rất nhanh.

Mặt khác, do đặc thù hai loài tê tê tại Việt Nam chỉ ăn mối và kiến. Chi phí thức ăn rất cao, mỗi cá thể tê tê ăn hết 1.410.000VND/tháng. Như vậy nguyên tiền cho ăn cho 70 cá thể tê tê trên là 98.700.000 đồng/tháng. Trên thực tế, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm có hạn không thể nuôi số lượng lớn động vật như vậy trong một thời gian dài.

“Nếu như tiếp tục nhận cứu hộ, chúng tôi không đảm bảo chi phí mua thức ăn cũng như tiến hành tiếp nhận cứu hộ những đợt tiếp theo do không đủ chi phí chuồng trại,” ông Phương nói.

Còn ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (SVW) đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn tê tê thế giới IUCN cũng nhận định, tê tê là loài động vật cực kỳ khó nuôi và sinh sản chậm.

Theo ông Thái, hiện nay trên thế giới chưa có bất kỳ đơn vị nào sinh sản thành công tê tê vì mục đích kinh tế. Tất cả tê tê tịch thu đều có nguồn gốc do săn bắt trái phép ngoài tự nhiên. Mọi hành vi mua bán, vận chuyển, săn bắt tê tê đều là trái pháp luật.

“Những cá thể tê tê sau khi tịch thu đó cần được thả về tự nhiên trong thời gian nhanh nhất, đó cũng là biện pháp xử lý tê tê sau khi bị tịch thu với tất cả các nước trên thế giới,” ông Thái nhấn mạnh.

“Với nỗ lực của mình, trước mắt chúng tôi sẽ soạn văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình kiến nghị tạo điều kiện cho thả 70 cá thể tê tê về rừng, tuy nhiên với quy định của luật hiện nay thì việc thả tê tê là vấn đề rất mong manh,” đại diện Vụ Bảo tồn Thiên nhiên nói. Vị đại diện này cũng cho biết: Trong trường hợp Ủy ban Nhân dân 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình “từ chối” việc tái thả tê tê về rừng, thì Vườn quốc gia Cúc Phương lại tiếp tục phải kiến nghị bổ sung nguồn kinh phí bảo vệ, bảo quản vật chứng, tuy nhiên việc này cũng khó không kém.

Như vậy số phận sống-còn của các cá thể tê tê nói trên là khá mong manh, và rất cần đến một quyết định, văn bản thông tư hướng dẫn để có thể giải quyết sớm nhất trước khi những con vật quý hiếm này "có chuyện."

VietnamPlus sẽ tiếp tục theo dõi và đưa tin về câu chuyện này, như một lời kiến nghị, thúc giục các cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền lưu ý và sớm đưa ra cách giải quyết. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục