Tiêu chuẩn nước mắm: Kiểm soát các rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng

Ban soạn thảo đã cân nhắc lược bỏ các khuyến nghị được cho là khó áp dụng, không khả thi đối với điều kiện sản xuất nước mắm hiện nay tại Việt Nam để bảo vệ các nhà sản xuất nước mắm trong nước.
Tiêu chuẩn nước mắm: Kiểm soát các rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng ảnh 1Tiêu chuẩn Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm dựa trên thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Ảnh minh họa. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chiều 8/3, tại Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin về quá trình soạn thảo và nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), qua hai năm triển khai thực hiện, Cục đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo đảm bảo đầy đủ trình tự xây dựng TCVN và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định Dự thảo và hồ sơ TCVN.

Hồ sơ đã tuân thủ quy định nêu trong điều 5 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP. Số hiệu tiêu chuẩn được cấp là TCVN 12607:2019.

Ông Đào Trọng Hiếu cho biết trong quá trình soạn thảo dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, Ban soạn thảo dựa trên căn cứ Tiêu chuẩn CODEX (CAC/RCP 52-2003), TCVN 7265:2015 và thực tế sản xuất nước mắm tại Việt Nam.

[Kiên Giang công nhận làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc]

Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã cân nhắc lược bỏ các khuyến nghị được cho là khó áp dụng, không khả thi đối với điều kiện sản xuất nước mắm hiện nay tại Việt Nam để bảo vệ, ủng hộ các nhà sản xuất nước mắm trong nước.

Đơn cử, Ban đã lược bỏ khuyến nghị về việc phải moi ruột đối với cá nguyên liệu có kích thước chiều dài thân lớn hơn 12cm hoặc khuyến nghị phải bảo quản ở nhiệt độ dưới 3 độ C đối với cá nguyên liệu ngay sau khi đánh bắt để kiểm soát ô nhiễm vi sinh và sự phân hủy cá...

Theo ông Đào Trọng Hiếu, dự thảo TCVN 12607:2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm.

“Đây là tiêu chuẩn về quá trình, chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng,” ông Đào Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Dự thảo TCVN 12607:2019 góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước khuyến khích, định hướng, giúp nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình. Từ đó, có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm.

“Tiêu chuẩn quốc gia là khuyến khích áp dụng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng,” ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

Hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nhằm đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho đơn vị áp dụng hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục