Tiêu dùng thông thái: Đẩy 'quả bóng' trách nhiệm cho khách hàng?

Theo Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, chắc chắn ai cũng muốn làm người tiêu dùng thông thái nhưng làm sao thông thái được khi hàng giả tinh vi đến mức chủ của hàng thật cũng không phân biệt nổi.
Tiêu dùng thông thái: Đẩy 'quả bóng' trách nhiệm cho khách hàng? ảnh 1Luật quy định, Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… luôn là những vấn đề nhức nhối trong dư luận. Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm lớn và phức tạp, song để làm triệt tiêu vấn nạn này thì cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất chính là doanh nghiệp.

Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3), ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có một số chia sẻ với Báo điện tử VietnamPlus để hiểu rõ hơn các quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

[Ban Bí thư ra chỉ thị về công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng]

- Thưa ông, Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm nay được hưởng ứng với chủ đề "Kinh doanh lành mạnh và tiêu dùng bền vững,” vậy ông nhìn nhận như thế nào về chủ đề này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Theo suy nghĩ của tôi, đây là chủ đề rất có ý nghĩa, bởi quyền lợi của Người tiêu dùng có được bảo đảm hay không thì trước hết phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng có tác động đối với người kinh doanh.

Có thể nói sản xuất và tiêu dùng có mỗi quan hệ qua lại tương hỗ, tương sinh cùng phát triển nếu là hoạt động lành mạnh nhưng ngược lại nó có thể là mối quan hệ tiêu cực, triệt tiêu động lực phát triển.

Kinh doanh được hiểu là từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, dịch vụ… nếu kinh doanh lành mạnh, chất lượng hàng hóa bảo đảm, giá cả phải chăng, không chỉ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm mà chính người kinh doanh cũng có lợi khi bán được hàng, thu được lợi nhuận. Tóm lại, đó là mối quan hệ tương sinh.

Ngược lại, nếu kinh doanh không lành mạnh như buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng… thì quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị xâm hại, dẫn đến có thể tẩy chay hàng hóa khiến người kinh doanh có thể phải đóng cửa. Do đó, chủ đề năm nay đưa ra rất là phù hợp và có ý nghĩa.

Tiêu dùng thông thái: Đẩy 'quả bóng' trách nhiệm cho khách hàng? ảnh 2Luật quy định, người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Luật cũng quy định trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân kinh doanh dịch vụ, song trên thực tế, nhiều vụ việc được giải quyết còn hạn chế, vậy có phải người tiêu dùng chưa mạnh dạn đòi quyền lợi chính đáng của mình, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Bình quân mỗi năm Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam giải quyết từ 1.000-2.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng và thành công khoảng trên 80%. Nhưng dù sao những vụ đã giải quyết chưa phản ánh được đúng thực tế số vụ người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi.

Việc giải quyết được thành công hay không, nguyên nhân cũng có phần là do người tiêu dùng ngại va chạm, ngại tranh chấp, cho rằng đi khiếu nại mất thời gian, thủ tục phức tạp nên thường bỏ qua.

Một thực tế khác là nhiều người tiêu dùng cũng không nắm rõ quyền của mình hay là làm cách nào để nhờ cơ quan, tổ chức nào can thiệp, giúp đỡ hoặc nếu biết thì lại ở xa, đi lại khó khăn. Hiện ,nay những đầu mối giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu tập trung ở tỉnh, thành phố, còn vùng sâu, vùng xa hầu như chưa có, do vậy đây cũng là thực tế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên.

[Các quyền lợi của người tiêu dùng được ghi trong luật]

- Ông đánh giá thế nào về cụm từ "Người tiêu dùng thông thái"?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cũng đã từng nghe cụm từ “hãy là người tiêu dùng thông thái,” nhưng tôi e rằng có phần nào đó đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng.

Chắc chắn, ai cũng muốn làm người tiêu dùng thông thái nhưng làm sao mà thông thái được khi hàng giả tinh vi đến mức chủ của hàng thật cũng không phân biệt nổi đâu là hàng giả và đâu là hàng của mình. Do đó, tôi cho rằng việc kêu gọi như vậy là không thực tế.

Đơn cử việc mua một hộp sữa, trên nhãn phụ có ghi các thành phần, công dụng, song việc này cần có cơ quan và phương tiện để đánh giá chất lượng.

Còn việc quảng cáo không chỉ nói quá mà còn sai sự thật là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tôi cũng đã từng trực tiếp nghe phản ánh của khách hàng nói rằng, đã mua một sản phẩm được quảng cáo trên truyền hình nhưng mua về lại là hàng giả.

Trong luật quảng cáo đã ghi rất rõ trách nhiệm của bên phát hành quảng cáo là chịu trách nhiệm trực tiếp sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện thuộc trách nhiệm của mình và đây là điều đáng mừng khi luật đã quy định như vậy.

Bên cạnh đó, luật quảng cáo cũng như Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, trong đó quy định hành vi quảng cáo sai sự thật, về xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng.

Như vậy cơ quan có chức năng có thẩm quyền, như thanh tra chuyên ngành sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử phạt theo quy định của Nghị định này.

Tiêu dùng thông thái: Đẩy 'quả bóng' trách nhiệm cho khách hàng? ảnh 3Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang trao đổi với VietnamPlus. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, nhưng thực tế đã có không ít người tiêu dùng mua phải sản phẩm qua mạng không đúng với quảng cáo. Vậy trong tình huống này, người tiêu dùng cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ thông tin phát triển thì thương mại điện tử ra đời, đây là hình thức kinh doanh còn mới.

Dù không phủ nhận những tiện ích do thương mại điện tử mang lại, là cầu nối nhanh nhất, hiệu quả nhất giữa người bán-người mua. Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch thường là không gian ảo nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong tình huống như vậy, người tiêu dùng có thể gõ cửa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hay các Sở Công Thương và các Phòng Kinh tế-Thương mại cấp huyện.

Thực tế Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đã giải quyết rất nhiều vụ việc thành công và ở các tỉnh, thành phố đã có 53 Hội bảo vệ người tiêu dùng.

- Ban Bí thư đã ra chỉ thị về công tác bảo vệ người tiêu dùng, vậy với các cơ quan chức năng, theo ông sẽ vào cuộc như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Chỉ thị của Ban bí thư đã chỉ ra những bất cập còn yếu kém trong công tác bảo vệ người tiêu dùng và quan trọng hơn là chỉ thị cũng nêu ra giải pháp rất rõ ràng và sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Với chỉ thị này, tôi hy vọng công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ có nhiều đột phá và chuyển biến khi các cấp ủy đảng cùng vào cuộc.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục