Tiểu thương Việt ở Séc cạnh tranh với các “siêu đại gia”

Từ lâu người Séc đã nhận thấy rằng hầu hết các cửa hàng nho nhỏ đã được “chuyển bản quyền” cho các tiểu thương Việt.
Tiểu thương Việt ở Séc cạnh tranh với các “siêu đại gia” ảnh 1 Một tiểu thương Việt ở Praha đến đại siêu thị Marko để nhập hàng về bán. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Khi mới đặt chân đến Cộng hòa Séc, điều khiến tôi ngạc nhiên là hầu như ở con phố nào của Prague cũng có ít nhất một cửa hàng thực phẩm của người Việt.

Từ lâu người Séc và cả khách du lịch đã nhận thấy rằng hầu hết các cửa hàng nho nhỏ mở cửa từ sáng sớm đến tối muộn đều không còn do người bản địa hoặc cộng đồng nhập cư khác nắm giữ nữa mà đã được “chuyển bản quyền” cho các tiểu thương Việt.

Đài Radio Prague dẫn nguồn của cơ quan thống kê cho thấy ở nước này cứ năm cửa hàng bán thực phẩm, hoa quả, thuốc lá và rượu thì có một thuộc về những người nhập cư châu Á, chính xác là người Việt.

Theo kết quả cuộc điều tra của hãng Nielsen, 14 năm trước tại Cộng hòa Séc có khoảng 20.000 cửa hàng bán thực phẩm, đồ uống và rau quả.

Sau mỗi năm con số này lại “rụng” đi một ít và đến năm 2013 còn lại 15.842 cửa hàng, và gần 1/5 trong số đó do người Việt làm chủ.

Tại đó người tiêu dùng có thể mua gần như đủ mọi thứ - bánh mỳ, giò, rượu, thuốc lá, đồ hộp dành cho chó mèo và cả xà phòng giặt. Tất và bao cao su cũng không thiếu.

Điều thú vị là phần lớn rau quả, “gà quê” bán tại đây được trồng, nuôi tại các nông trại của người Việt ngay trên đất Séc. Có nghĩa là người Việt không chỉ buôn bán mà còn làm ra sản phẩm cho xã hội.

Tiểu thương Việt ở Séc cạnh tranh với các “siêu đại gia” ảnh 2Đưa hàng Việt vào các đại siêu thị - hướng mới của doanh nghiệp Việt tại Séc. (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Hai phần ba các cửa hàng thực phẩm kiêm tạp hóa của người Việt rộng không quá 50m2, số còn lại có diện tích từ hơn 50 đến 100m2.

Anh Đinh P., quê Nghệ An, sở hữu một cửa hàng “mini” nằm bên lề con đường rất đẹp nhưng vắng vẻ tại một ngôi làng nên thơ cách thủ đô Prague hơn 100km. Kiốt vừa là nơi kinh doanh vừa là nơi ở của một gia đình gồm ba người.

Chiếc lò sưởi điện chỉ làm tăng nhiệt độ bên trong cửa hàng một chút so với bên ngoài. Đang ngày nghỉ cuối tuần nên việc kinh doanh của anh P. rất chậm bởi đây là thời điểm khách hàng đến mua sắm ở các siêu thị và đại siêu thị. Anh P. cho biết: “Tôi chỉ thu hút được khách trong những ngày làm việc bình thường vì họ tiện thể ghé qua trước hoặc sau giờ hành chính."

Những cửa hàng này được gọi vui là “người hùng” vì phải thật giỏi chèo chống hoặc “độ lì” khác thường thì mới trụ được trong thời buổi khủng hoảng kinh tế mà đến người dân Séc nổi tiếng vô lo cũng đã biết thắt lưng buộc bụng. Và đó cũng là thời kỳ các “ông lớn” trên thị trường bán lẻ xuyên quốc gia đổ bộ ồ ạt vào Séc. Họ ở vị thế “đá chọi trứng” so với các tiểu thương Việt nói riêng và các ông chủ nhỏ ở Séc nói chung.

Báo chí Séc đánh giá cao sự kiên trì của các tiểu thương Việt, lãi rất ít vì bán giá thấp và không kén khách, coi sự thuận tiện cho khách hàng là cơ may tồn tại của mình. Người Séc nhớ tới cửa hàng của người Việt khi họ cần mua một thứ gì đó mà ngại lái xe hay đi các phương tiện giao thông công cộng, chỉ cần dăm phút dạo bộ là tới.

Đó là do thói quen và tính cách của người Séc khác với các dân tộc láng giềng ở Tây Âu. Dân Áo và Đức chỉ thích lái xe đến các siêu thị và đại siêu thị để khuân đồ ăn cho cả tuần. Trong khi đó, rất nhiều người Séc vẫn giữ lệ thả bộ ra cửa hàng quanh nhà mua lặt vặt, tuy chỉ là mua ít hàng hóa nhưng ngày nào cũng đi.

Và đó là một trong những lợi thế để các tiểu thương bé nhỏ người Việt tồn tại trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các mạng lưới siêu thị và đại siêu thị xuyên quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục