TikTok - “chú ngựa gỗ thành Troy” của Trung Quốc?

Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng ứng dụng TikTok gây nguy hại an ninh quốc gia trong khi thương vụ mua bán giữa ByteDance - công ty mẹ của TikTok và Microsoft đang hút sự quan tâm của dư luận.
TikTok - “chú ngựa gỗ thành Troy” của Trung Quốc? ảnh 1(Nguồn: Getty images)

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn. Sau tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc), giờ đến lượt ứng dụng chia sẻ những đoạn video ngắn TikTok, vốn rất được giới trẻ ưa chuộng, với gần 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng ứng dụng TikTok là của Trung Quốc và có thể chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh, từ đó gây nguy hại cho an ninh quốc gia Mỹ.

Trong khi đó, thương vụ mua bán giữa ByteDance - công ty mẹ của TikTok và “gã khổng lồ” nước Mỹ Microsoft cũng đang hút sự quan tâm của dư luận.

TikTok là gì?

Tiktok là ứng dụng chia sẻ những đoạn video ngắn, do Kevin Mayer - một người Mỹ từng tham gia công việc điều hành ở hãng Walt Disney - làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

TikTok có trụ sở tại Los Angeles, nhưng trên thực tế, TikTok thuộc về công ty ByteDance của Trung Quốc và là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin ở Trung Quốc.

Ra đời cách đây 4 năm, nhưng phải đợi đến năm 2019, và nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát ứng dụng này mới bất ngờ phát triển mạnh, thu hút được nhiều “tín đồ,” chủ yếu là giới trẻ, nhất là thiếu niên.

Gần đây, TikTok được truyền thông quốc tế nói đến nhiều. TikTok vào đầu tháng 7/2020 đã thông báo rời Hong Kong (Trung Quốc) khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia đối với Khu Hành chính Đặc biệt này.

Theo Le Monde ngày 1/8, điều không mấy được nhắc đến là các quy định về điều kiện sử dụng của mạng này vẫn ghi rõ là dữ liệu của người dùng có thể được chia sẻ với các thành viên khác, chi nhánh khác, hoặc với các công ty khác của tập đoàn, có nghĩa là thông tin cá nhân người dùng TikTok có thể bị chuyển về Trung Quốc.

[Tương lai nào cho TikTok khi thương vụ với Microsoft thành công?]

Trước đó là việc TikTok cùng 58 ứng dụng khác của Trung Quốc bị New Delhi cấm hoạt động tại Ấn Độ vào cuối tháng Sáu để “bảo đảm an ninh và chủ quyền không gian mạng của Ấn Độ,” sau khi hai nước xảy ra xung đột ở biên giới.

Tại quốc gia Hồi giáo Pakistan, nước láng giềng của Ấn Độ, TikTok cũng bị chính quyền cảnh cáo vì có những nội dung “vô đạo đức, tầm thường và tục tĩu.” Pakistan yêu cầu TikTok gỡ bỏ những video có nội dung như vậy.

Năm 2019, TikTok bị Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) phạt 5,7 triệu USD vì thu thập và quản lý trái phép dữ liệu của người dùng dưới 13 tuổi.

Tháng 6/2020, ứng dụng của ByteDance cũng bị Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) để mắt, thông qua việc triển khai một nhóm công tác để tìm hiểu cách thức hoạt động của TikTok tại châu Âu. 

“Chú ngựa gỗ thành Troy” 

Tại Mỹ, lần này mọi chuyện bắt đầu từ ngày 8/7. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, Tổng thống Donald Trump nhiều lần dọa cấm TikTok hoạt động tại Mỹ.

Hãng tin AFP ngày 29/7 cho biết ông Peter Navarro - một cố vấn thân cận của Tổng thống Trump, một nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và cũng là người ủng hộ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đã cáo buộc việc TikTok gửi tất cả các dữ liệu về máy chủ ở Trung Quốc và gửi thông tin trực tiếp về Trung Quốc.

Đến ngày 31/7, chủ nhân Nhà Trắng nhắc lại với các nhà báo là sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Ông Trump cho rằng ứng dụng của ByteDance có thể có kẽ hở về an ninh.

Đến ngày 3/8, Tổng thống Mỹ “bật đèn xanh” cho phép Microsoft thương lượng mua lại TikTok với điều kiện hai bên phải đạt thỏa thuận trước ngày 15/9, nếu không TikTok sẽ bị cấm hẳn.

Trong thời gian qua, Washington lo ngại Bắc Kinh sử dụng TikTok để gây phương hại cho Mỹ, chẳng hạn thông qua việc Byte Dance đánh cắp thông tin cá nhân người dùng Mỹ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, có ý kiến cho rằng TikTok là “chú ngựa gỗ thành Troy” của Trung Quốc.

Các nhà quản lý của TikTok đã bác bỏ điều này. Trước đây, TikTok đã thường xuyên bác bỏ các mối liên hệ với Bắc Kinh, phủ nhận việc chia sẻ các dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc và khẳng định không có ý định chấp nhận những đòi hỏi kiểu như vậy Trung Quốc.

Tuần báo Pháp Le Journal Du Dimanche ngày 1/8 cho biết, cách đây vài ngày, để trấn an chính quyền Mỹ và cả công chúng, TikTok cam kết sẽ đảm bảo tính minh bạch cao và nhất là cho phép các cơ quan chức năng kiểm tra các thuật toán của TikTok.

Ngày 29/7, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Kevin Mayer tuyên bố TikTok không làm chính trị, không chấp nhận các quảng cáo chính trị và mục tiêu duy nhất của họ là vẫn duy trì ứng dụng này như một mạng xã hội năng động được tất cả mọi người đánh giá cao.

Ông chủ của TikTok cũng nhấn mạnh: “TikTok đã trở thành mục tiêu mới nhất bị Mỹ nhắm đến, song chúng tôi không phải là kẻ thù của nước Mỹ.”

Về phía các cơ quan chức năng của Mỹ, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), đã mở một cuộc điều tra về TikTok. James Lewis, lãnh đạo chương trình chính sách công nghệ của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chiến lược, đánh giá nguy cơ an ninh từ việc sử dụng TikTok “gần như bằng 0”, nhưng ông thừa nhận “ByteDance có thể bị Bắc Kinh gây sức ép.”

Đối với Tổng thống Mỹ Trump, TikTok không chỉ là một ứng dụng chia sẻ ngắn video của Trung Quốc, mà còn là một công cụ được các đối thủ chính trị trong nước sử dụng để chống lại ông.

Cuối tháng 6/2020, nhiều thanh thiếu niên Mỹ, những fan hâm mộ K-pop, đã kêu gọi các tín đồ TikTok đăng ký nhưng không đến tham dự buổi vận động tranh cử của ông Trump tại Tulsa (Oklahoma).

Kết quả là buổi vận động tranh cử của Tổng thống Trump diễn ra ở sân vận động có khả năng chứa 22.000 người nhưng cuối cùng chỉ có 6.200 người tham dự.

Một vài ngày sau, nhóm ủng hộ ứng viên Joe Biden của phe Dân chủ thông báo đã tuyển dụng Mary Joe Laupp, người được gọi là “TikTok Grandma," một trong những người sử dụng TikTok đã kêu gọi tẩy chay buổi vận động tranh cử của ông Trump tại Tulsa.

Trong động thái mới nhất ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat.

Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày tới. Những sắc lệnh trên được ban hành trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump thông báo đang đẩy mạnh các biện pháp "lọc" những ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc trong các mạng lưới công nghệ số ở Mỹ và gọi những ứng dụng như TikTok và WeChat là "những mối đe dọa nghiêm trọng."

Sắc lệnh của Tổng thống Trump có đoạn cho rằng ứng dụng TikTok có thể được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch vì mục đích chính trị và Mỹ "phải có những hành động quyết liệt với các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia."

Khả năng thành công của thương vụ Microsoft-TikTok

Giữa bối cảnh TikTok đang không biết “đi đâu về đâu”, Microsoft đã khẳng định sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm mua lại nền tảng ứng dụng video này sau cuộc gặp giữa ông Satya Nadella, Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft với Tổng thống Mỹ Trump.

Trong một thông báo trên blog, Microsoft cho biết sẽ nhanh chóng thúc đẩy đàm phán với ByteDance - công ty mẹ của TikTok - trong vài tuần và sẽ kết thúc các cuộc thảo luận muộn nhất là ngày 15/9.

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc “đại gia” công nghệ Microsoft (Mỹ) muốn mua lại nền tảng mạng xã hội chia sẻ video TikTok đã thu hút nhiều sự chú ý không chỉ của dư luận mà còn của giới chính trị.

Giới chuyên gia ước tính với tình hình kinh doanh hiện tại, định giá của TikTok có thể vào khoảng từ 20-40 tỷ USD - một con số không hề nhỏ kể cả đối với một “đại gia” như Microsoft. 

Trong khi đó, một nguồn tin nói với Reuters rằng Microsoft không thể hiện mong muốn mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của TikTok trong các cuộc đàm phán với ByteDance - công ty mẹ của ứng dụng này.

Theo nguồn tin, Microsoft chỉ đang tìm cách mua lại các tài sản của TikTok ở Bắc Mỹ, Australia và New Zealand. 

Theo tờ Financial Times, Microsoft đang tìm hiểu xem liệu họ có thể mua thêm các khu vực bao gồm Ấn Độ và châu Âu trong thỏa thuận hay không. Song một nguồn thân cận với ByteDance ở Ấn Độ nói rằng cuộc đàm phán xung quanh vấn đề này đã từng thất bại.

Phía Microsoft không tiết lộ họ sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho thương vụ TikTok. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Cowen Washington Research Group, TikTok là một “lực lượng đột phá tiềm năng" trong số các nền tảng mạng truyền thông xã hội và chia sẻ video. 

Do đó, nếu thương vụ với TikTok thành công, Microsoft sẽ phần nào thoát được hình ảnh một công ty công nghệ khô cứng, chỉ phục vụ các nhu cầu làm việc văn phòng và trở nên gần gũi hơn với nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Việc mua lại TikTok cũng sẽ mang đến một lợi thế lớn cho “gã khổng lồ” phần mềm để cạnh tranh với Facebook và YouTube thuộc sở hữu của Google trong cuộc đua mạng xã hội mà Microsoft bị đánh giá là “chậm chân” suốt thập kỷ qua.

Trong khi đó, ngoài việc “làm mới” hình ảnh, có lẽ yếu tố lớn nhất mà Microsoft hướng tới khi quyết tâm mua TikTok là lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng của nền tảng này.

Ông Shelly Palmer, CEO của công ty cố vấn chiến lược công nghệ The Palmer Group, cho biết các thông tin người dùng mà TikTok thu thập bao gồm vị trí của họ, thời gian họ tiêu tốn trên ứng dụng, hoặc thời gian mà họ tiêu thụ một số thể loại hoặc nội dung giải trí nhất định.

Lượng dữ liệu khổng lồ này cho phép ByteDance dự đoán xu hướng hành vi người dùng với độ chính xác đáng kinh ngạc. 

Nhận định về khả năng thành công của thương vụ Microsoft-TikTok, chuyên gia phân tích Daniel Ives, thuộc công ty chuyên về dịch vụ đầu tư Wedbush Securities, đưa ra ước tính về khả năng thành công là khoảng 75-80%.

Công ty công nghệ Trung Quốc này vốn được định giá khoảng 100 tỷ USD, một nửa trong số đó là nhờ TikTok. Nhưng ByteDance đang trong thế “kẹt” vì một khi TikTok bị cấm ở Mỹ, mức định giá sẽ giảm 50%.

Trong khi đó, Microsoft đang có vị thế thuận lợi bởi không có “đại gia” công nghệ lớn nào khác có thể tham gia “cuộc chơi” lần này.

Cả bốn “ông lớn” Amazon, Apple, Alphabet, Facebook đều đang phải đối mặt với các cuộc điều tra của các cơ quan quản lý. Bên duy nhất đáp ứng được mọi yêu cầu và được Nhà Trắng “bật đèn xanh” là Microsoft.

Nếu thành công, thương vụ này sẽ đặc biệt có lợi cho Microsoft vì hoạt động kinh doanh của TikTok ở Mỹ được định giá trong khoảng 40 tỷ USD. Con số này có thể lên tới 200 tỷ USD nếu phía công ty có chiến lược đúng đắn. Và Microsoft có thể giúp TikTok hành động ở các khu vực quốc tế khác như một phần của thỏa thuận.

Tuy nhiên, chưa có gì hoàn toàn chắc chắn về thỏa thuận này. TikTok vẫn đang để ngỏ khả năng đàm phán với những người mua tiềm năng khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục