Hạn chế ô nhiễm Vịnh

Tìm biện pháp để hạn chế ô nhiễm Vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang, một danh thắng cấp quốc gia, đang phải hứng hàng tấn rác thải mỗi ngày từ các hoạt động du lịch, nuôi thủy sản.
Những năm gần đây, Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, đồng thời được gia nhập vào Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới.

Tuy nhiên, thành phố Nha Trang với số dân gần 400.000 người nằm bên bờ Vịnh, cùng với lượng du khách mỗi năm trên dưới 1,6 triệu lượt người, nên Vịnh đang chịu nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

Chỉ riêng 4.600 chiếc lồng nuôi hải sản thuộc các khu vực Vũng Ngán, Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Bấy... của hơn 360 hộ dân đã xả thẳng xuống biển khoảng 9 tấn rác/ngày bao gồm các loại rác thải, chất thải sinh hoạt, chất thải từ nguồn thức ăn thừa của tôm, cá...

Bên cạnh đó, với khoảng 5.600 dân sinh sống biệt lập trên các đảo, tính ra mỗi ngày Vịnh phải “nạp” thêm một vài tấn rác. Đồng thời, lượng rác thải từ hàng trăm chiếc tàu, thuyền chở du khách trên Vịnh Nha Trang cũng không nhỏ.

Ngoài ra, Vịnh Nha Trang là nơi phải tiếp nhận nước từ hai con sông Cái và sông Tắc.

Những năm qua, Khánh Hòa đã có một số động thái tích cực để từng bước hạn chế những tác nhân gây nên sự ô nhiễm, suy thoái môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong Vịnh. Đó là việc vận động ngư dân bắt hơn 80.000 con sao biển gai để bảo vệ san hô; đưa ra quy định các tàu phục vụ tham quan cho du khách trong Vịnh phải lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại...

Cũng từ năm 2008, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang đã tổ chức việc thu gom rác tại các khu vực nuôi thủy sản và các khu dân cư trên các đảo, qua đó bình quân mỗi ngày dọn dẹp khoảng 5 tấn rác.

Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương quy hoạch Vịnh Nha Trang chỉ dành riêng phục vụ cho du lịch biển và các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao trên biển. Do đó, cuối tháng 3, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại vùng Vịnh Nha Trang.

Chậm nhất đến cuối tháng 5, thành phố Nha Trang còn phải phối hợp với các cơ quan liên quan giải tỏa ngay các vật nổi trên mặt nước, các bẫy đánh bắt thủy sản tại bãi biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng và xung quanh các đảo; đồng thời tiến hành triển khai quy hoạch một số điểm nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường biển tại một số đảo.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang phối hợp với các cơ quan hữu trách, nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo tồn và bảo vệ toàn bộ khu vực Vịnh Nha Trang. Việc này phải hoàn thành chậm nhất là cuối tháng 6 năm nay để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khi người dân đang nuôi các loại thủy sản trong vịnh với nhiều chu kỳ nuôi khác nhau, việc tháo dỡ, di chuyển số lồng, bè nuôi đi nơi khác sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăn nuôi của họ, thậm chí có thể gây nên tổn thất lớn.

Hơn nữa, từ năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định 149/2004/QĐ-UB, quy định về tiêu chuẩn hoạt động đối với tàu du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó các tàu này phải lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại, nhưng trong thực tế do chi phí khá cao, nên không mấy chủ tàu ở Vịnh Nha Trang thực hiện chỉ đạo này, còn cơ quan chức năng cũng không nghiêm túc kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.

Theo ông Trương Kỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, về lâu dài trên Vịnh chỉ nên tổ chức nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch và nuôi các đối tượng thân thiện với môi trường./.

Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục