Tìm câu trả lời cho câu hỏi "Áo dài Việt Nam ra đời từ khi nào?"

Phó giáo sư Hà Minh Hồng khẳng định cho dù đã tồn tại và có lịch sử từ hàng trăm năm, áo dài vẫn thuộc loại di sản... không có tuổi, mãi "tươi trẻ và thanh xuân."
Tìm câu trả lời cho câu hỏi "Áo dài Việt Nam ra đời từ khi nào?" ảnh 1Các em học sinh xem các mẫu áo dài tại triển lãm 'Duyên dáng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh.' (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Đến nay, lịch sử ra đời của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng và cụ thể do các tư liệu về trang phục áo dài vẫn còn khá mỏng và ít. Do vậy, cần quan tâm đến việc sưu tầm và lưu giữ các tư liệu về áo dài nhiều hơn nữa để có thêm tư liệu củng cố quá trình nghiên cứu và giữ gìn áo dài Việt Nam.

Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại Tọa đàm "Lịch sử Áo dài Việt Nam," do Bảo tàng Áo dài phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/3.

Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, du lịch và sinh viên nhiều trường đại học.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, một số nghiên cứu cho rằng chiếc áo dài Việt Nam có thể xuất hiện từ trước thế kỷ 11 hoặc có thể ra đời từ thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của dân tộc ta. Do vậy, để nghiên cứu một cách cẩn thận về lịch sử áo dài Việt Nam, cần tìm hiểu áo dài từ giai đoạn này.

Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc, áo dài Việt Nam cũng thay đổi và phát triển qua nhiều thời kỳ suy vong, cách tân. Đến nay, có thể nói áo dài đang trong giai đoạn phục hưng mới.

Theo nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng, chiếc áo dài truyền thống có một nội lực vô hình, ghi dấu ấn tuyệt đối về giá trị thẩm mỹ mà bất cứ ai khi chọn lựa áo dài một cách phù hợp đều có thể toát lên thần thái, nét đẹp và sự quyến rũ. Đi đến bất cứ đâu, khi khoác chiếc áo dài là bạn bè quốc tế có thể nhận diện ngay đó là bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Cùng với thăng trầm lịch sử, những giá trị văn hóa sâu sắc của tà áo dài càng được vun đắp và kết tinh, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của áo dài trong đời sống hiện đại ngày nay.

[Photo] Duyên dáng áo dài trong lễ hội ở Thành phố Hồ Chí Minh

Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng dù trong giai đoạn lịch sử nào, áo dài Việt Nam vẫn rất độc đáo. Chiếc áo dài trở thành di sản trong tâm hồn người Việt qua nhiều thế hệ.

Phó giáo sư Hà Minh Hồng khẳng định càng nghiên cứu và so sánh, càng thấy sự quyến rũ đặc sắc của áo dài Việt Nam. Cho dù đã tồn tại và có lịch sử từ hàng trăm năm, áo dài vẫn thuộc loại di sản... không có tuổi, mãi "tươi trẻ và thanh xuân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục