Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn FDI

Hơn 200 đại biểu đã dự Hội thảo "Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài" tổ chức ngày 10/1, tại TP.HCM.

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiến nghị các nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là hai nhóm vấn đề lớn đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo "Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Báo Đầu tư tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/1.

Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành khu vực phía Nam; các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước...tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, cho biết: Đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, gia tăng kim ngạch và thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng nguồn thu cho nhân sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đồng thời, đầu tư nước ngoài cũng đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khởi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp, đổi mới thủ tục hành chính, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau hơn 25 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, đã có hơn 15.696 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 230 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 112 tỷ USD.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít, giá trị gia tăng thấp, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; có biểu hiện chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách...

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã có Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Nghị quyết 103 đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả của đầu tư nước ngoài như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam; hoàn thiện các quy định nhằm hướng dẫn và kiểm soát môi trường, nâng cao hiệu lực và hiệu quả về quản lý ngoại hối, tín dụng, hoàn thiện quy định về đất đai, nhà ở...; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Đề cập đến giải pháp cụ thể hơn, giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng: Cần sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng, lãnh thổ. Mặt khác, chúng ta cần hạn chế việc phát triển các khu công nghiệp đa ngành nghề mà cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên sâu; có chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với dự án FDI lớn của tập đoàn công nghệ cao, tạo ra tiềm lực và sức lan tỏa lớn trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điểm yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh để xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Tiến sỹ Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment Inc, cho rằng: Chìa khóa để thành công trong thu hút FDI cho tất cả các nước là tham gia vào các hiệp định thương mại, các hiệp ước khu vực và toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Việt Nam đã ký hiêp định Thương mại song phương với Mỹ năm 2000 và được hưởng quy chế tối huệ quốc, rồi gia nhập WTO nên FDI vào Việt Nam tăng mạnh.

Các nhà đầu tư dài hạn trong quá trình ra quyết định của họ, luôn tìm kiếm sự ổn định kinh tế và chính trị. Rõ ràng các hiệp định, hiệp ước trên là minh chứng vững mạnh cho sự ổn định. Theo ông Christian Kamm, việc Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) cũng như tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư trong thời gian tới góp phần tăng trưởng thu hút FDI.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, trao đổi các nội dung liên quan đến các vấn đề, kiến nghị trong việc sửa đổi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam nên kết hợp cả hai cách tiếp cận ưu tiên về số lượng và ưu tiên về chất lượng trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng Luật đầu tư sẽ cụ thể hóa các hoạt động đầu tư nước ngoài cần phải có biện pháp thu hút; đồng thời xác định các chính sách, biện pháp ưu đãi tương ứng.

Tiêu chí xác định hoạt động đầu tư nước ngoài thuộc danh mục thu hút có thể bao gồm ngành nghề, sản phẩm, công nghệ sử dụng; sử dụng nhân lực có trình độ... Đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài khác thì coi như một hoạt động đầu tư "tự nhiên" với các biện pháp thu hút đầu tư như các hoạt động đầu tư trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục