Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trở lại ở châu Á

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị “Tương lai châu Á,”  các đại biểu đã thảo luận biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trở lại ở khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/5, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị “Tương lai châu Á” do báo Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tổ chức tại thủ đô của Nhật Bản, các đại biểu đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác để vượt qua thách thức và thúc đẩy tăng trưởng trở lại ở khu vực.

[“Các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm"]

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh các quốc gia cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, cùng hợp tác đối phó với các thách thức để phát triển.

[Thảo luận về các thách thức và vai trò của châu Á]

Cũng tại hội nghị, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh nhận định rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng tại châu Âu hiện nay là một cú sốc nhưng nó cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế thế giới sang khu vực châu Á. Để giảm thiểu tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc chủ trương chống lại mọi chủ nghĩa bảo hộ thương mại và sẽ tiếp tục tăng cường liên kết với các nước châu Á có đà tăng trưởng cao.

Ông Lý Triệu Tinh nhấn mạnh rằng châu Á là một thị trường có nhu cầu khổng lồ và có nhiều lợi ích chung, ông cho rằng cần có các chính sách kinh tế thương mại mở rộng, duy trì hợp tác kinh tế thông qua ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và giữa các nước cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại khu vực bước sang giai đoạn mới.

Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung-Nhật, ông Lý Triệu Tinh cho rằng quan hệ hữu hảo hai nước đã phát triển tới một mức độ chưa từng có trước đây và mối quan hệ hai nước đang có những cơ hội phát triển mới thông qua việc khắc phục các vấn đề hiện nay. Ông mong muốn thúc đẩy quan hệ Trung-Nhật ngang tầm quan hệ Trung-Mỹ theo mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Theo giải thích của Trung Quốc, quan hệ nước lớn kiểu mới là mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở thúc đẩy đối thoại một cách trực tiếp và bình đẳng giữa các nước lớn. Cựu Ngoại trưởng Lý cũng muốn ba nước Nhật-Trung-Mỹ tăng cường đối thoại trên nhiều vấn đề để đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với những vấn đề mang tính toàn cầu. 

Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ông Lý cho biết Trung Quốc nhận thức rằng cần thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên với tư cách là một nước láng giềng của Triều Tiên. Hai nước cần thúc đẩy sự hiệu biết lẫn nhau, củng cố lòng tin và cải thiện quan hệ hai nước.

Trong khuôn khổ hội nghị, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhấn mạnh rằng xung đột tại khu vực châu Á cần được giải quyết một cách hòa bình, và rằng khu vực cần sớm xây dựng một hệ thống có thể tạo ra sự ổn định. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cần giảm bớt các căng thẳng và có nghĩa vụ xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu hảo. Ông cũng đề nghị Mỹ không nên chia rẽ châu Á thành bạn và thù trong quá trình gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar cho rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của khu vực vì châu Á với thị trường tăng trưởng nhanh chóng đang dẫn đầu nền kinh tế thế giới. Để tiếp tục duy trì tăng trưởng trong thời gian tới, cần tăng cường tạo ra sự ổn định cho khu vực thông qua hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia và cùng đối mặt với các vấn đề chung như nghèo đói và xung đột.

Đề cập tới quan hệ giữa Pakistan và các quốc gia láng giềng, Ngoại trưởng Khar cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động ổn định tình hình  Afghanistan vì đây là vấn đề mang tính trọng tâm đối với tương lai Pakistan đồng thời, Pakistan cũng chuẩn bị các điều kiện để mở rộng trao đổi thương mại với Ấn Độ khi quan hệ hai nước đang có những bước cải thiện.

Tiếp đó, lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tài chính của các nước Đông Á, trong đó có Chủ tịch Tập đoàn đầu tư  Saigon Invest Group Đặng Thành Tâm, đã tham gia thảo luận về đề tài “Các thế lực mới nổi và trào lưu mới trong giới doanh nghiệp”./.

M.Sơn-H.Hà-Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục