Tìm hiểu con ngựa trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam

Ngựa là loài vật được mô tả khá sinh động trên tranh, tượng dân gian Việt Nam, không chỉ giới hạn ở nơi thờ tự mà còn phổ biến ra ngoài dân gian.

Ngựa là một trong số những loài vật được mô tả khá sinh động trên tranh, tượng dân gian Việt Nam.

Ngựa có mặt trên các phù điêu gỗ, đá ở các đền miếu và trên tranh làng Hồ và Hà thành từ xa xưa, đặc biệt là trong các đồ thủ công mỹ nghệ.

Tranh, tượng về ngựa rất phong phú, đa dạng, không chỉ giới hạn ở nơi thờ tự, trong cung đình mà còn phổ biến ra ngoài dân gian.

Tìm hiểu con ngựa trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam ảnh 1Đám cưới chuột - (Tranh dân gian Đông Hồ)

Ngựa tạo hình dân gian đã tham gia vào cuộc sống xã hội của con người, như con ngựa hồng vui vẻ đang nhịp bước trong tác phẩm tranh Đông Hồ ''Đám cưới chuột'' (hay còn gọi là ''Ông nghè vinh quy'').

Tìm hiểu con ngựa trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam ảnh 2Vua Quang Trung và chiến mã. (Tranh dân gian)

Ở bức tranh Quang Trung, chú ngựa chiến được khắc họa hết sức cao lớn oai hùng. Con chiến mã với bộ vó chắc khỏe đang mở to đôi mắt, đăm đăm nhìn phía trước với cái mõm hé mở và đôi cánh mũi dường như đang phập phồng.

Loại ngựa chiến ấy cũng được thấy trong tranh ''Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân.'' Toàn thân chú ngựa đang tung vó trên chiến trận được khắc họa đỏ rực như than hồng toát lên một khí thế hùng dũng oai phong.

Hình ảnh con ngựa còn có thể bắt gặp trong nhiều tranh dân gian khác của tranh Đông Hồ, tranh Hà Nội.

Ở nhiều tranh thờ, ngựa hồng được thay bằng ngựa trắng hay đôi khi bằng ngựa ô. Sự thay đổi màu lông hẳn có những lý do tín ngưỡng nhất định.

Ngựa tạo hình dân gian còn được chạm trổ trên hương án chùa Bút Tháp vào thế kỷ 17, trên văn in lại chùa Tây Mỗ (Hà Tây) thuộc thế kỷ 19.

Chúng ta cũng có thể bắt gặp những chú ngựa vượt qua hoa lá được chạm đá trên văn bia tại chùa Linh Quang (Hải Phòng) hoặc khỉ cưỡi ngựa (chùa Tây Mỗ), ngựa đá nhau (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh).

Rõ ràng, tranh tượng dân gian của Việt Nam, con ngựa được khắc họa với đủ mọi hoạt động, và hình dáng.

Hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất của mỹ thuật Việt Nam là vào khoảng giữa thế kỷ 11 ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Nghệ nhân xưa đã chạm tròn nguyên khối đá, tạo tác đôi ngựa nằm ngang cùng với voi, sư tử, trâu và tê giác. Hình ảnh hai con ngựa ở đây khá béo tốt với các khối căng tròn biểu hiển sự no đủ, sung túc.

Ngựa còn thấy xuất hiện trên đài sen, ở đất Phật, được Phật giác ngộ rồi tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh.

Ngựa thờ bằng gốm men thời Lý cũng được tìm thấy ở chùa Phật Tích.

Sau thời nhà Lý, đạo Phật có phần suy vi, hình tượng con ngựa cũng vì thế mà ít được thấy trong nghệ thuật đương thời.

Đến thế kỷ 16, khi giai đoạn mở đầu của nghệ thuật dân dã phát triển thì con ngựa mới xuất hiện với tư cách là con vật linh thiêng có cánh trên lưng (đình Tây Đằng, Hà Tây).

Ở thời nhà Mạc, con ngựa đã trở thành Long Mã với đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò (chùa Trà Phương, Hải Phòng).

Long Mã có nguồn gốc gắn với nguồn nước, biểu hiện cho ý chí tung hoành ngang dọc của thánh nhân.

Sang thế kỷ 17, hình tượng ngựa càng phổ biến, có khi được tạo tác bằng đá, lớn hơn kích thước ngựa thật (mộ quận Đăng ở Thanh Hóa năm 1629) hay là nhóm tượng giám mã (đình Hương, Bắc Ninh) đầu thế kỷ 18.

Ngựa thờ ở mồ mả là để làm tăng thêm sự giàu sang, phú quý của chủ nhân.

Hình ngựa chạm khắc ở đình miếu đôi khi là hình dáng của loại ngựa để các tướng lĩnh cưỡi khi đấu võ (đình Nội, Bắc Ninh).

Phổ biến nhất là loại ngựa thờ như "vân mã" (ngựa bay trên mây), "mã hầu" (khỉ ngồi trên đuôi ngựa), hay các loại ngựa bạch, ngựa hồng để biểu hiện cho quan hệ âm-dương, nóng-lạnh, lửa-nước.

Tìm hiểu con ngựa trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam ảnh 3Hình ảnh ngựa tường hồi chùa Hưng Ký, Hà Nội

Vào cuối thế kỷ 17, con ngựa đứng dưới lọng đã xuất hiện ở cung đình, sau đó phổ biến ra ngoài dân gian.

Cảnh ngựa đá đứng chầu với voi đá ở các lăng miếu thời nhà Nguyễn cũng rất phổ biến, đặc biệt, hình ảnh ngựa đá đã đi vào thơ văn thời nhà Trần với câu thơ bất hủ của vua Trần Nhân Tông:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Dịch nghĩa:


Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng

Hình ảnh con ngựa đã in sâu vào tâm trí của nghệ sỹ dân gian, chứng tỏ họ rất yêu thích, quý mến loài ngựa, muốn biến hình ảnh con ngựa thành một hình tượng nghệ thuật có tầm vóc ngang hàng với những linh vật khác được tôn thờ ở Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục