Tìm kiếm nguồn tiền cho quỹ bảo trì đường bộ

Hiện chi phí vốn dành cho bảo trì các tuyến đường bộ đang thiếu, vì vậy, việc xây dựng một quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo Quỹ bảo trì đường bộ, do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 1/10 tại Hà Nội, đều nhần mạnh tới tính cấp thiết xây dựng quỹ bảo trì đường bộ.

Theo đánh giá chung của các đại biểu dự Hội thảo, hiện chi phí vốn dành cho công tác bảo trì các tuyến quốc lộ thường chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Hệ thống giao thông nông thôn, đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện… chiếm hơn 80% hệ thống đường bộ cũng đang thiếu kinh phí bảo trì. Vì vậy, việc xây dựng một quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết.

Tiến sỹ Lý Huy Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông (TDSI) cho biết, hiện đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 256.700km, trong đó quốc lộ chiếm trên 17.200km, đường tỉnh 23.520, đường huyện hơn 49.800km… Tuy hệ thống đường bộ phân bố tương đối hợp lý nhưng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế do mặt đường hẹp chưa đảm bảo cho việc đi lại an toàn, bán kính đường cong nhỏ, số lượng cầu yếu còn nhiều.

Bên cạnh đó, lưu lượng giao thông lớn, gia tăng nhanh nhất là các tuyến khu vực gần đô thị, thành phố. Do đó, nhiều tuyến đường hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và luôn đặt trong tình trạng “báo động đỏ”. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam lại mất cân đối giữa vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn bảo trì.

Tính từ năm 2002 đến nay, riêng vốn đầu tư cho hệ thống đường quốc lộ, vốn xây dựng cơ bản chiếm khoảng 88-94%, trong khi vốn bảo trì chỉ đạt 6-12% tổng vốn. Vì thiếu vốn nên nhiều hạng mục bảo dưỡng thường xuyên không được thực hiện đầy đủ hoặc không kịp thời.

Vốn đầu tư cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2008 đạt mức cao nhất là 1.915 tỷ đồng và mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Do đó, hệ thống đường bộ Việt Nam xuống cấp nhanh.

Nghiên cứu của WB thực hiện tại các nước đang phát triển cho thấy, đường bộ bảo trì không đúng cách sẽ hư hỏng rất nhanh. Tiến sĩ Rolald Allan, chuyên gia tư vấn của WB nhấn mạnh, tiết kiệm tiền bảo trì là lựa chọn thất sách, chi phí nâng cấp, sửa chữa sẽ tốn gấp 3 lần chi phí bảo trì.

Tuy nhiên, tìm kiếm nguồn kinh phí từ đâu, như thế nào cho việc bảo trì này thực sự đang rất nan giải. Việc xây dựng một quỹ dành riêng cho việc bảo trì đường bộ được coi là lối ra theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn .

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ tài chính Bộ Giao thông Vận tải, cho biết ban soạn thảo dự thảo nghị định về quỹ bảo trì đường bộ đã có đề xuất 2 phương án nguồn thu là thu qua xăng dầu và thu lưu hành xe ôtô; trong đó, phương án thu theo đầu ôtô hợp lý hơn vì chắc chắn đây là số phương tiện thường xuyên lưu thông trên đường.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên thu phí đối với các loại xe chở quá tải, quá khổ cho phép của cầu, đường; đối với những đơn vị kinh doanh vận tải siêu trường, siêu trọng cần phải bỏ kinh phí để gia cố cầu yếu, hoặc làm đường ngầm nếu cần thiết. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, nguồn thu này không lớn, ước đạt 30 tỷ đồng/năm.

Cũng có ý kiến nêu việc các loại xe máy cũng phải đóng phí dành cho quỹ đường bộ, bởi hiện nay, lượng xe máy rất lớn (khoảng trên 26 triệu xe). Việc thu phí sẽ tính vào bảo hiểm bắt buộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục