Tìm lời giải bài toán thích ứng mới cho Bình Dương thời hậu COVID-19

Để thích ứng linh hoạt, an toàn trong "bình thường mới," tạo đà tiếp tục phát triển, Bình Dương cần quan tâm chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, công tác tiêm chủng ...
Tìm lời giải bài toán thích ứng mới cho Bình Dương thời hậu COVID-19 ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo trực tuyến về Thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 1/12, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến về ''Thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương'' nhằm đánh giá, đề xuất giúp Bình Dương có định hướng chiến lược để giữ vững được nền tảng phát triển năng động cùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tham dự có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cùng nhiều chuyên gia, viện nghiên cứu trung ương đã tham luận nhiều nội dung quan trọng để tìm ra lời giải cho "bài toán" thích ứng phát triển mới cho Bình Dương thời hậu COVID-19.

Y tế cơ sở chưa phát triển tương xứng

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết Bình Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước được chọn mở hội thảo về "Thích ứng an toàn, linh hoạt và phát triển kinh tế-xã hội." Sau 25 năm thành lập, Bình Dương trở thành địa phương phát triển năng động của cả nước nhưng từ đợt dịch lần thứ 4, Bình Dương phải chịu nhiều thách thức rất lớn, dù dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, bước vào giai đoạn khôi phục phát triển kinh tế-xã hội khi trở về "bình thường mới."

Theo tiến sỹ Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá trong đại dịch COVID-19, mặc dù Bình Dương đã kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng cho thấy có những vấn đề cần quan tâm là hệ thống y tế cơ sở chưa tương xứng với nhu cầu xã hội. Vấn đề thứ hai là giáo dục và đào tạo vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

[Bình Dương phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch để khôi phục kinh tế]

Để thích ứng linh hoạt, an toàn trong "bình thường mới," tạo đà tiếp tục phát triển, Bình Dương cần quan tâm chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, sản xuất vaccine trong nước và công tác tiêm chủng.

Bình Dương cần đầu tư, nâng cao năng lực điều trị và hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; hoàn thành đầu tư hạ tầng các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cấp vùng.

Đặc biệt, quan tâm đến đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do trên cả nước; hỗ trợ lao động có thu nhập thấp đang làm việc, lao động ngoại tỉnh đến làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm y tế của năm 2022 cho lao động mất việc làm, tạm nghỉ việc.

Mặt khác, tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú, tạo điều kiện bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trước ngày 31/12/2022, tạo thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế… cho người dân, người lao động nhập cư.

Theo tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright và Đại học Indiana ( Hoa Kỳ) đánh giá Bình Dương thuộc những địa phương có các cụm ngành công nghiệp phát triển nhất cả nước và sau khi trở về "bình thường mới" vẫn hướng tới các cơ hội tiến lên các nấc thang giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Bình Dương hậu COVID-19 là cần động lực mới để bước lên nấc thang giá trị cao hơn, nhưng cần tránh nguy cơ rơi vào tình trạng lụi tàn thời kỳ hậu công nghiệp.

Do đó, về mục tiêu đổi số, ưu tiên thu hút đầu tư áp dụng công nghệ cao, tăng hàm lượng chất xám để tạo ra giá trị kinh tế được cho là hướng đi cần làm sớm.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cho rằng Bình Dương chuyển động tầm nhìn xây dựng chiến lược "thành phố thông minh" và "vùng đổi mới sáng tạo" là bước đi đúng đắn để đưa Bình Dương tiếp tục tiến lên phía trước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh Bình Dương thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, Bình Dương đến nay về cơ bản thực hiện bao phủ vaccine trong toàn tỉnh, đã có kinh nghiệm tổ chức điều trị theo hệ thống 3 tầng; tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho hay số ca mắc mới trong cộng đồng gần đây đang có dấu hiệu gia tăng, số ca tử vong và chuyển nặng cũng có chiều hướng tăng, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh rất cao.

Bên cạnh đó, với việc xuất hiện biến chủng B.1.1.529 (Nam Phi) của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng cần có các giải pháp và phương án chủ động phòng, chống và chú trọng đến tính an toàn, xác định phòng dịch hơn chống dịch.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương khẳng định mục tiêu tổng quát của tỉnh là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Tỉnh sẽ chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và nguồn nhân lực y tế.

Thích ứng sớm chuyển đổi số

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng ý kiến tại hội thảo đưa ra định hướng tầm nhìn cho Bình Dương phát triển dài hạn, căn cốt nhất trở thành thành phố sinh thái, năng động, thông minh, thương hiệu, có năng lực cạnh tranh, trở thành một Bình Dương có nhiều nền tảng phát triển của đất nước. Qua những phân tích đánh giá, Bình Dương đã hội nhập với toàn cầu, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

"Tôi rất mừng các nhà hoạch định chính sách, những doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh đã có trách nhiệm cao tham gia phòng, chống dịch và tích cực đóng góp công sức tiền của để kiểm soát dịch bệnh, nhằm sớm trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh," ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

"Và sau khi tỉnh về 'bình thường mới' tuy còn dịch bệnh, nhưng giảm thiểu nhiều vấn đề chi phí, tâm lý xã hội, giúp người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. Tôi cho rằng quyết định thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là rất hợp lý. Tuy nhiên, Bình Dương cần thích ứng sớm như chuyển đổi số, đây là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố thông minh như chuyển đổi số trong phòng, chống dịch; trong cải cách hành chính, quản lý dân cư và trong môi trường đầu tư phát triển là việc cần làm ngay từ bây giờ. Và việc chuyển đổi số là cơ sở chứ không phải ý tưởng viễn vông khó thực hiện," ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.

Tìm lời giải bài toán thích ứng mới cho Bình Dương thời hậu COVID-19 ảnh 2Công nhân sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm sau hai tháng tỉnh trở về trạng thái 'bình thường mới,' đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.195 doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp (chiếm tỷ lệ 90,25%) với tổng số 401.768 lao động (chiếm 82,7%) đã khôi phục sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng thông qua các cuộc hội nghị trực tuyến; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhất là người lao động được quan tâm tiêm vaccine, kể cả cho chuyên gia nước ngoài tại các doanh nghiệp.

Kết quả, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế năm 2021, riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là ngành đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dù tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5%, góp phần giữ vững cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trên 6,8 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục