Tìm nguyên nhân xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo đạt thấp

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan cần tìm ra được nguyên nhân xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo đạt thấp.
Tìm nguyên nhân xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo đạt thấp ảnh 1Đào tạo nghề tại Trường trung cấp nghề Băc Kạn. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 19/1, tại Lào Cai, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện xuất khẩu lao động, dạy nghề và giải quyết việc làm tại các huyện nghèo khu vực Tây Bắc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện 46 tỉnh, thành phố có huyện nghèo và đại diện các bộ, ngành và các cục, vụ có liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyến Xuân Phúc khẳng định các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a là địa bàn người dân khát khao vươn lên thoát nghèo nhất.

Mặc dù Đảng và Nhà nước dành nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách, nguồn lực nhưng hiệu quả thoát nghèo tại những địa bàn này lại chưa được như mong muốn. Vì vậy tại hội nghị này, phải tìm ra được đâu là nguyên nhân số lượng lao động của các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động đạt thấp, từ đó có giải pháp khắc phục bằng hành động cụ thể chứ không phải trên giấy tờ, đề án, Phó Thủ tưởng nhấn mạnh.


Những khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định năm 2014, các địa phương trong vùng Tây Bắc đã tuyển sinh, đào tạo hơn 243.000 người học nghề, bằng 12% tổng số người được đào tạo nghề cả nước, trong đó có hơn 71.000 người dân tộc thiểu số và hơn 13.000 người thuộc hộ nghèo.

Cũng trong năm 2014, các tỉnh trong vùng đã phân bổ trên 3.725 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng theo thống kê sơ bộ đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 18,5% (giảm hơn 3%) so với năm 2013 và tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo giảm xuống còn khoảng 32% (giảm hơn 5% so với năm 2013), đạt mục tiêu theo kế hoạch đạt ra.

Tuy nhiên đời sống của hộ nghèo ở một số địa phương thiếu bền vững. Công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là đối với người dân tộc còn nhiều hạn chế, đặc biệt số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn rất thấp so với tiềm năng của khu vực và các địa phương thuộc vùng khác; nhận thức về vai trò của xuất khẩu lao động ở một số địa phương chưa thực sự đầy đủ...

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận những vấn đề liên quan đến Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.

Các ý kiến thống nhất kết quả thực hiện chưa cao, chỉ đạt 30% chỉ tiêu của đề án, số lượng lao động thuộc huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài bình quân 161 lao động/huyện, 9 lao động/xã.

Xác định rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục

Đa số ý kiến của các đại biểu đều khẳng định để công tác xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với thực tế triển khai Đề án.

Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp tham gia Đề án. Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã Hội Phạm Thị Hải Chuyền cũng nhấn mạnh để hỗ trợ người lao động của các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động cũng như nâng cao chất lượng dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực cần phải xem xét chính sách hỗ trợ cả ba lĩnh vực xuất khẩu lao động, dạy nghề và giảm nghèo... Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với người lao động. Các chính sách, mô hình tốt cần được chú ý nhân rộng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương cần tham mưu, trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, dạy nghề vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, Nhà nước tăng hỗ trợ, đầu tư cho bà con đi xuất khẩu lao động; nội dung, phương pháp đào tạo nghề phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành liên quan ổi mới công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chương trình đối với đời sống bà con...

Về chính sách giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng cho rằng vùng Tây Bắc và các huyện nghèo phải coi giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, bền bỉ liên tục với chính sách, cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với đời sống, phong tục từng địa phương; phải rà soát, lồng ghép các chính sách giảm nghèo hiện nay, nghiên cứu sản xuất hàng hóa từ nguồn đa dạng sinh học trong vùng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật với các loại giống cây, con mới phù hợp thổ nhưỡng của vùng để đồng bào thoát nghèo.

Chính sách giảm nghèo cần đa chiều, bảo đảm tập trung nguồn lực, thu hút các nguồn lực cộng đồng, ưu tiên các huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Chương trình, dự án giảm nghèo cần gắn bó chặt chẽ với dạy nghề, xuất khẩu lao động, khuyến nông. Đặc biệt, phải đánh giá kỹ lưỡng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và đề xuất nhiệm vụ tiếp theo.

Các địa phương cũng tìm hiểu tâm tư của bà con và tìm ra những bất cập trong công tác giác nghèo để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình của từng vùng trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục