Tìm thấy chất phóng xạ Nhật Bản ở bờ biển tây Mỹ

Iodine nhiễm phóng xạ được tìm thấy trong tảo biển ở bờ biển phía tây Mỹ sau động đất gây ra thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fukushima.
Iodine nhiễm phóng xạ đã được tìm thấy trong tảo biển ở ngoài khơi bờ biển phía tây nước Mỹ hơn một tháng sau trận động đất gây ra thảm họa hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi, theo một nghiên cứu mới công bố.

Trước đó, chất iodine 131 nhiễm phóng xạ (131-I) đã được gió mang đi dọc Thái Bình Dương chỉ vài ngày sau ngày 11-3-2011, khi trận động đất và sóng thần xảy ra, dù với số lượng không đáng kể.

Nhưng các nhà sinh vật biển ở Đại học bang California, Long Beach (CSULB) đã phát hiện ra 131-I trong tảo biển, trong vòng một tháng sau tai nạn.

“Chúng tôi đo được khối lượng đáng kể, dù rất khó gây ra nguy hiểm chất iodine nhiễm phóng xạ ở các chuooxi loài tảo khổng lồ Macrocystis pyrifera”, Steven L. Manley, đồng tác giả nghiên cứu với Christopher G. Lowe, cho biết.

“Dù có lẽ không đủ gây nguy hại cho người vì ở mức độ thấp, nó có thể ảnh hưởng đến một số loài cá ăn tảo này”.

Nghiên cứu với tựa đề “Đo lường các mảng tảo vòm ở bờ biển California: 131-I từ các nhà máy phóng xạ bị hư hại của Nhật Bản trong tảo Macrocystis pyrifera” đã được đăng tải trên ấn bản online của tạp chí Khoa học và công nghệ môi trường.

Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, cách Tokyo 220 km về phía đông bắc, đã bị hư hại nặng vì các vụ tan chảy thanh nhiên liệu và những vụ nổ sau trận động đất và sóng thần khiến hơn 19.000 người thiệt mạng.

Phóng xạ bị phát tán trong một vùng rộng lớn và nhiễm vào nước biển, không khí cũng như chuỗi thức ăn vài tuần và vài tháng sau thảm họa.

Hàng chục ngàn người xung quanh nhà máy cũng đã phải sơ tán.

Quá trình thu dọn đang diễn ra chậm chạp với những cảnh báo một số thị trấn có thể sẽ không có người ở trong ba thập kỷ tới./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục