Tìm thấy di tích cự thạch ở chân núi Tam Đảo

Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học và Đại học Văn hóa Hà Nội vừa phát hiện một di tích cự thạch ở chân núi Tam Đảo, xã Đại Bình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có niên đại gần 2.000 năm.

Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học và Đại học Văn hóa Hà Nội vừa phát hiện một di tích cự thạch ở chân núi Tam Đảo, xã Đại Bình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có niên đại gần 2.000 năm.

Di tích gồm một tấm đá phiến magma biến chất (gọi là tấm trần) có hình giống một con thuyền dài hơn 3m, rộng hơn 1m và dày gần 0,5m với hai bề mặt khá phẳng, được gia công tạo dáng có chủ đích.

Đáng chú ý, ở mỗi đầu tấm đá được kê cao trên 2 tảng đá to hình nêm chôn rất sâu trong lòng đất. Cả 4 tảng đá kê phía dưới có cùng chất liệu với tấm trần bên trên.

Tiến sĩ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khai quật cho biết loại di tích này đã được phát hiện ở  Xín Mần (Hà Giang), Hòa An (Cao Bằng), Nà Hang (Tuyên Quang), Lục Nam (Bắc Giang), Tiên Du (Bắc Ninh), Sóc Sơn (Hà Nội).

Di tích ở Tam Đảo có cấu trúc tương tự với di tích cự thạch ở Cao Bằng, Bắc Giang và Sóc Sơn (Hà Nội).

Cho đến nay, việc xác định ý nghĩa của các kiến trúc này còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đánh giá, di tích này có thể liên quan đến tục thờ Thần Đá của các cư dân tiền sử nơi đây./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục