Tìm thấy hóa thạch động vật thời nguyên thủy

Các nhà khoa học thuộc Đại học Phương Nam của Chile vừa phát hiện một loài động vật có vú nguyên thủy vẫn còn sống và cho rằng đây là một “hóa thạch còn sống” và rất hữu ích cho việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của lớp động vật này.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Phương Nam của Chile vừa phát hiện một loài động vật có vú nguyên thủy vẫn còn sống và cho rằng đây là một “hóa thạch còn sống” và rất hữu ích cho việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của lớp động vật này.

Loài động vật này có tên khoa học là Dromiciops gliroides, là đại diện duy nhất còn lại của bộ Microbiotheria (thuộc lớp thú có túi). Tất cả các loài khác thuộc bộ này đều đã tuyệt chủng và chỉ được giới khoa học biết tới qua các hóa thạch.

Chúng có hình dáng và kích cỡ tương tự với loài chuột bình thường, có bộ lông dày, màu đất, đuôi dài từ 10 tới 13cm. Phần cuối của đuôi có nhiều mô mỡ, giúp chúng có thể tồn tại trong thời kỳ ngủ đông.

Loài Dromiciops gliroides sinh trưởng trong các khu rừng ẩm phía Nam Chile và Argenina, thường sống tại các nơi có độ cao trên 1.100 mét so với mực nước biển.

Loài động vật này có thói quen làm tổ, sống về đêm, ăn các ấu trùng sâu bọ hoặc hoa quả, hạt cây. Chúng có 4 vú, con cái có một túi nhỏ nhưng có khả năng co dãn lớn để nuôi con. Quá trình trưởng thành của chúng kéo dài khoảng 2 năm.

Ông Roberto Nespolo, Giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa của Đại học Phương Nam, cho biết loài động vật này là bước trung chuyển giữa các loài bò sát và động vật có vú, vì chúng có khả năng thay đổi thân nhiệt để chống chọi lại biến đổi về thời tiết.

Thân nhiệt Dromiciops gliroides có thể dao động tối đa 10 độ C trong một ngày, trong khi khả năng này ở người chỉ là 1 độ C. Các nhà khoa học cho biết chúng vẫn giữ được những đặc tính di truyền có từ 50 triệu năm trước và họ đang tận dụng yếu tố này để nghiên cứu nguồn gốc của khả năng duy trì và thay đổi thân nhiệt của lớp động vật có vú.

Cư dân tại vùng núi phía Nam Chile đã biết tới loài thú này từ khá lâu và gọi chúng bằng nhiều tên như “con rối núi”, “cún thiêng” hay “chumaihuén”. Còn các nhà khoa học giả thuyết rằng chúng có nguồn gốc từ Australia và di cư tới Nam Mỹ từ khi lục địa này vẫn còn gắn liền với Nam Cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục