Tìm thấy văn bản đầu tiên có bút tích Ngô Gia Tự

"Bản trả lời thẩm vấn tại tòa án Bắc Ninh" năm 1931 được coi là văn bản đầu tiên và duy nhất có bút tích  (chữ ký) của ông Ngô Gia Tự.
Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh với sự giúp đỡ của Cục lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng đã tìm thấy và tiến hành trưng bày nhiều tài liệu, trong đó có văn bản đầu tiên và duy nhất có bút tích của ông Ngô Gia Tự, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Tài liệu trưng bày gồm "Ngọ báo Hà Thành tháng 3 năm 1930", Nghị quyết Đông Dương cộng sản Đảng và 20 tư liệu, hồi ký do các đồng chí lão thành cách mạng trước đây cùng hoạt động, bị tù đày cùng ông Ngô Gia Tự kể lại. Trong số đó có "Bản trả lời thẩm vấn tại tòa án Bắc Ninh" vào năm 1931 - văn bản đầu tiên và cho đến nay được coi là duy nhất có bút tích (chữ ký) của ông. Tài liệu này cho biết từ ngày 9/1-24/1/1931, ông Ngô Gia Tự đã ba lần phải trả lời thẩm vấn trước phòng dự thẩm của tòa án Bắc Ninh. Quan dự thẩm tòa án Bắc Ninh lúc đó là Bùi Bằng Đoàn chủ tọa, phó chánh án ngồi ghế biện lý, quan lục sự là Chu Toàn Chữ, thư ký Hoàng Bá Gia, thời gian thẩm vấn bắt đầu là 13 giờ chiều ngày mồng 9 tháng Giêng năm 1931. Toàn văn những câu hỏi của biện lý, câu trả lời của ông Ngô Gia Tự được ghi thành biên bản theo mẫu đã in sẵn bằng chữ Pháp, mỗi văn bản là một lần thẩm vấn, trang cuối đều có chữ ký của 3 người gồm Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Bá Gia và Ngô Gia Tự. Nội dung trả lời thẩm vấn của ông Ngô Gia Tự cơ bản theo yêu cầu những câu hỏi mà quan tòa và lục sự đưa ra về họ, tên, quê quán, hoạt động. Trả lời về năm sinh, thân phụ của mình, ông Ngô Gia Tự nói khác so với những tài liệu đã công bố. Ông nói: "Tên tôi là Ngô Gia Tự, tức Ngô Sỹ Quyết, 22 tuổi, con ông Ngô Tác Tần và bà Nguyễn Thị Bảy". Khi trả lời, đồng chí Ngô Gia Tự đã rất khôn khéo và cương quyết phủ nhận những gì chúng áp đặt theo hướng có lợi để khai thác hòng truy bắt những đồng đội khác. "Tôi đã rời khỏi Bắc Kỳ đi Nam Kỳ cuối tháng 7 năm 1929. Chỉ sau khi đến Nam Kỳ tôi mới tham gia Đảng cộng sản. Từ đó tôi không hoạt động gì ở Bắc Kỳ. Tôi kiên quyết không thừa nhận một hành động gì người ta định gán tội cho tôi. Không phải tôi là người lập ra Cộng sản. Cộng sản chính là do thời thế tạo nên, nghĩa là do sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa Tư Bản thế giới làm hại đến quyền lợi của thợ thuyền và dân cày tạo nên", Ngô Gia Tự đã nói như vậy. Sau khi bị đưa ra thẩm vấn ở tòa án Bắc Ninh, rồi bị đưa vào giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), Ngô Gia Tự và nhiều đồng đội khác đã dũng cảm lên án chế độ thực dân. Khi bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại tòa đại hình Sài Gòn (tháng 5/1933), Ngô Gia Tự và nhiều đồng đội khác đều có tiếng nói đanh thép, kiên quyết, dũng cảm đấu tranh vạch mặt kẻ thù. Tài liệu trả lời thẩm vấn và chữ ký của ông Ngô Gia Tự tại tòa án Bắc Ninh góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu sâu sắc thêm về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ tiền bối, xuất sắc của Đảng và nhân dân Việt Nam./.

Ngô Gia Tự (1908-1935) là một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông sinh tại làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1927, ông tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Năm 1929, ông tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ.

Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn và đày ra Côn Đảo vào tháng 5 năm 1933. Ông bị mất tích trong một chuyến vược ngục đầu năm 1935 cùng với các bạn tù khác.

Đàm Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục