Tìm thấy xác công nhân đầu tiên vụ sập hầm ở Nhật

Lực lượng cứu hộ đã vớt được xác của công nhân xấu số đầu tiên trong đoạn đường ống đứng công trình ống ngầm dưới biển ở Nhật.
Theo thông tin mới nhất, lực lượng cứu hộ đã vớt được xác của công nhân xấu số đầu tiên trong đoạn đường ống đứng công trình ống ngầm dưới biển của Tập đoàn Dầu khí JX Nippon do nhà thầu Kashima thực hiện.

Cơ quan chức năng đang tiến hành nhận dạng và xác định danh tính của nạn nhân đầu tiên này. Đây là thi thể đầu tiên được tìm thấy kể từ khi xảy ra vụ sập đường hầm chiều 7/2 làm nước lọt vào đường ống khiến 5 công nhân mắc kẹt.

Trong suốt mấy ngày qua, cả thế giới và người dân nước Nhật đang dõi theo những diễn biến mới nhất trong vụ sập đường ống ngầm dưới biển của Tập đoàn Dầu khí JX Nippon ở thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama.

Đây là một trong những sự kiện có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của một trong những ngành công nghiệp vốn luôn coi trọng tính nghiêm ngặt của các tiêu chuẩn an toàn thi công ở Nhật Bản.

Nguyên nhân thực sự của sự cố nghiêm trọng này hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng ở Nhật điều tra làm rõ.

[Sập đường ngầm tại Nhật do bỏ thăm dò địa chất?]

Ngay sau khi sự cố xảy ra, cảnh sát và lực lượng phòng cháy thành phố Kurashiki đã lập tức vào cuộc song do nước biển lẫn bùn cát xâm nhập vào đường ngầm khiến tầm nhìn hạn chế cùng với các đống đổ nát trong đường ống gây khó khăn cho công tác giải cứu và ngày 8/2, nhóm giải cứu phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, nhà thầu Kashima vẫn tiếp tục công tác lọc nước bẩn để tăng tầm nhìn. Chiều ngày 10/2 các thợ lặn của cảnh sát tỉnh Okayama đã nối lại công tác tìm kiếm.

Liên quan đến sự cố sập hầm, giới quan sát đã đặt ra khả năng sự cố lọt nước vào đường ống khiến 5 người mất tích có thể là do máy khoan tiến hành đào đường ống ngang mất điện đột ngột.

Việc mất điện đột ngột này có thể khiến áp suất nén của ống khoan bị giảm đột ngột bùn đất chảy ngược vào bên trong dẫn đến hiện tượng sập hầm.

Dựa vào tài liệu gửi cho người quản lý công trình, ngay trước khi xảy ra sự cố các thông tin được ghi chép liên quan đến việc mất điện như “cầu giao điện”, “sụt điện” đã được thông báo cho phía nhà thầu thi công Kashima.

Trước đó, ngay phía trên đoạn đường ống ngang xảy ra sự cố sập hầm, cơ quan chức năng đã phát hiện hố sụt lún đường kính 20m sâu 12m trong khi một phần của máy khoan bên trong hầm đã bị hư hỏng.

Theo các chuyên gia về máy khoan hầm, các máy máy khoan hầm có tên gọi tiếng Nhật là Shirudo (Tunnel boring machine) này cần phải duy trì áp suất cân bằng liên tục trong quá trình thi công.

Nếu trạng thái cân bằng này bị phá vỡ, do lo ngại đất cát có thể xâm nhập vào từ phía trước, người ta phải lập tức sử dụng 26 ống áp suất và tấm thép để ngăn đất cát chảy ngược và tiếp tục duy trì áp suất trong đường ống.

Sự cân bằng áp lực này được kiểm soát bằng máy tính nhưng nếu xuất hiện hiện tượng sụt điện bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của automat khiến nguồn điện lập tức bị ngắt. Khi đó, khả năng điều tiết áp lực bị mất làm cát chảy ngược đẩy bật các ống áp lực dầu và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sập hầm.

Giới chuyên môn cho rằng mặc dù đối với ống áp áp lực dầu, ngay cả khi mất điện thì áp suất vẫn không hạ nhưng nhà sản xuất máy khoan hầm “cần phải tính đến nhiều khả năng khác nhau”./.

Cao Phong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục