Tìm về nơi "mỗi hiện vật đều mang linh hồn các đồng đội ngã xuống"

Nằm cách quốc lộ 1A không xa, nhưng ít ai đi ngang qua thôn Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Nội để ý tới tấm biển hiệu nhỏ chỉ dẫn tới Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày.
Tìm về nơi "mỗi hiện vật đều mang linh hồn các đồng đội ngã xuống" ảnh 1Ông Bảng hiện là Giám đốc bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày trên chính diện tích 2000 m vuông của gia đình. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Tri ân các đồng đội ngã xuống

Chỉ cần tới đầu thôn Nam Quất (Xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội), hỏi người dân nơi đây ai cũng biết nhà ông Lâm Văn Bảng. Ông Bảng hiện là Giám đốc bảo tàng "Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày" trên chính diện tích 2.000 m vuông của gia đình.

Người đàn ông đã bước qua tuổi 70 với mái tóc bạc trắng đã thực hiện việc đi tìm lại những hiện vật của các cựu tù binh từ những năm 1985. Nhưng phải tới năm 2004, một năm sau khi ông về hưu, ông Bảng mới chính thức thành lập phòng truyền thống trưng bày các hiện vật mà ông tìm kiếm, gom nhặt được.

Ngày 11/10/2006, Cục Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa Hà Tây (khi đó) đã ra quyết định thành lập bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Hiện bảo tàng đang trưng bày hơn 2000 hiện vật trên tổng số 4.000 hiện vật mà ông Bảng cùng đồng đội đã cất công tìm kiếm.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/1970 - tháng 2/1973, ông Lâm Văn Bảng là cựu tù binh tại đảo Phú Quốc. Bản thân ông đã phải trải qua những hình thức tra tấn dã man của quân địch nên ông thấu hiểu hơn ai hết sự hy sinh của đồng đội để cho ông có ngày trở về.

Tìm về nơi "mỗi hiện vật đều mang linh hồn các đồng đội ngã xuống" ảnh 2Để có được những kỷ vật vô giá như thế này, ông Bảng cùng đồng đội đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Muôn vàn khó khăn mà ông Bảng đã trải qua từ những ngày đầu gây dựng bảo tàng: Từ việc tuổi cao sức yếu, kinh phí đi lại cũng như tìm kiếm hiện vật ông đều bỏ tiền túi, hay việc vất vả thuyết phục chủ sở hữu trao lại hiện vật cho bảo tàng...

Bởi cái tâm muốn tri ân với đồng đội đã nằm xuống đã giúp ông Bảng vượt qua bao gian khó. Tính đến nay cũng đã 30 năm ông Bảng đằng đẵng theo đuổi công cuộc tìm kiếm đầy gian nan này.

Mỗi hiện vật là một câu chuyện

Trong khuôn viên 2.000 m vuông, bảo tàng được chia làm 10 khu tham quan, mỗi khu có chuyên đề rõ ràng theo từng chủ đề khác nhau. Ngoài khu làm việc và tiếp đón các đoàn tới tham quan, các khu trưng bày hiện vật có thể kể ra như: Khu chuồng cọp (trưng bày ngoài trời), khu trưng bày hiện vật anh bộ đội cụ Hồ, khu truyền thống quê hương, khu tội ác quân địch, khu hiện vật chiến sĩ cách mạng trong trại giam Phú Quốc giai đoạn 1967 - 1973.

Tìm về nơi "mỗi hiện vật đều mang linh hồn các đồng đội ngã xuống" ảnh 3Mỗi hiện vật trong bảo tàng là một mảnh ký ức khó phai trong lòng mỗi người cựu chiến binh. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Ông Bảng chia sẻ: Mỗi hiện vật ở đây đều mang trong nó linh hồn của các đồng đội đã ngã xuống. Ông Bảng vừa nói vừa chỉ tay ra phía cửa sổ nơi có trồng một cây ổi được chiết cành từ cây lớn mọc trên một hố chôn tập thể của những người tù Phú Quốc.

Nói về kỷ niệm trong quá trình đi tìm hiện vật, ông Bảng bùi ngùi nhắc tới ông Phong ở bản Lò Than, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, Bắc Giang. Gia cảnh ông Phong vô cùng khó khăn, thiếu thốn, con trai ông còn bị ảnh hưởng từ chất độc da cam. Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng ông Phong vẫn giữ được quyển sách học khi còn là cựu tù binh.

Cảm động trước tấm lòng người chiến sĩ năm xưa, ông cùng mọi người trong đoàn gom hết số tiền mang theo ủng hộ ông Phong, sau này ông Bảng có đề nghị với địa phương xây một căn nhà thay cho căn nhà dột nát ông Phong đang sinh sống.

Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Dư ở Quốc Oai với kỷ vật lá cờ Đảng vô cùng quý giá. Qua rất nhiều lần thuyết phục, ông Dư đã đồng ý trao cho ông Bảng lá cờ Đảng quý giá của mình. Sau này, rất nhiều người trao lại kỷ vật vẫn thường xuyên tới thăm bảo tàng như một nơi họ thực sự tin tưởng để trao gửi một phần cuộc sống của họ.

Những con người thầm lặng

Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là mái nhà chung của các cựu tù binh tới đây sum họp, ôn lại kỷ niệm chiến đấu năm xưa.

Tìm về nơi "mỗi hiện vật đều mang linh hồn các đồng đội ngã xuống" ảnh 4Bảo tàng có cả một khu riêng để thờ cúng, cầu siêu cho vong linh của các đồng đội đã ngã xuống. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Nhìn vào tấm bảng đen với dòng phấn trắng đề nội dung phân công công việc chăm sóc bảo tàng. Tôi nhận ra ở đây còn rất nhiều các tình nguyện viên tự nguyện tới hỗ trợ hoạt động của bảo tàng. Họ cũng đều là những người lính vào sinh ra tử, cái tâm tri ân đồng đội đã đưa họ đến với công việc này.

Những cái tên như: bác Mộ, bác Uỵch, bác Mão.. đều đã ở cái tuổi ngoài thất thập, tuy vậy hàng ngày, hàng tuần các bác vẫn tự nguyện tới quét dọn, tiếp đón khách tham quan. Nói đến những người tình nguyện viên, không ai là không nhắc tới ông Ủy nay đã 80 tuổi nhưng ngày nào ông cũng đạp xe tới hỗ trợ công tác gìn giữ hiện vật tại bảo tàng

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử của đất nước, ông Bảng chia sẻ: Từ giờ tới cuối tháng 4, bảo tàng của ông gần như đã kín lịch. Với những hoạt động như: trưng bày lưu động, tiếp lửa truyền thống trong các trường học, tri ân anh hùng lịch sử đã ngã xuống... Ông Bảng cùng những người đồng đội của mình đang góp những việc làm thiết thực vào công việc tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục