Timor-Leste nỗ lực chuyển mình hiện thực hóa "giấc mơ" ASEAN

Timor-Leste nỗ lực chuyển mình để hiện thực hóa "giấc mơ" ASEAN

14 năm sau ngày tái lập độc lập, đất nước non trẻ Timor-Leste đang kiên định tiến bước trên con đường đầy chông gai để hiện thực hóa "giấc mơ lớn" trở thành thành viên ASEAN.
Timor-Leste nỗ lực chuyển mình để hiện thực hóa "giấc mơ" ASEAN ảnh 1(Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

14 năm sau ngày tái lập độc lập, đất nước non trẻ Timor-Leste đang kiên định tiến bước trên con đường đầy chông gai để hiện thực hóa "giấc mơ lớn" trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Và vào tháng Tám tới đây, Timor-Leste sẽ lần đầu tiên đăng cai một sự kiện của ASEAN, đó là Diễn đàn nhân dân ASEAN - APF 2016.


Vì sao Timor-Leste quyết tâm gia nhập ASEAN?

Nằm ở điểm cuối cùng phía nam của tuyến hàng hải Đông Nam Á, phía Bắc của Biển Timor, lại có nhiều nét tương đồng về văn hóa-phong tục, nên ngay sau khi tái lập độc lập vào năm 2002, Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste mặc nhiên trở thành một ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế thành viên mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Ý định trở thành thành viên ASEAN đã được các nhà lãnh đạo Timor-Leste xác định ngay từ năm 2002 và tới năm 2011, ý định này đã được chuyển hóa thành hành động cụ thể khi nước này nộp đơn chính thức xin gia nhập ASEAN trong năm Indonesia làm chủ tịch.

Lá đơn xin gia nhập của Timor-Leste được các nước ASEAN hoan nghênh và thiết lập hai cơ chế để đánh giá mức độ sẵn sàng gia nhập của nước này. Đó là cơ chế Hội đồng Điều phối ASEAN cùng cơ chế đánh giá trình độ kỹ thuật, làm việc dựa trên ba trụ cột quan trọng: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Trong các cuộc phỏng vấn báo chí, khi được hỏi về lý do mong muốn trở thành thành viên ASEAN, các nhà lãnh đạo Timor-Leste đều khẳng định khi gia nhập ASEAN, quốc gia này sẽ hướng tới sự ổn định về chính trị và an ninh cũng như có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế.

“Gia nhập ASEAN là ước mơ, và chúng tôi sẽ làm mọi điều để điều đó sớm thành hiện thực” - Thủ tướng Timor-Leste Rui Maria de Araujo khẳng định trong cuộc gặp với nhóm nhà báo ASEAN hôm 19/5.

Thực tế tình hình kinh tế-chính trị hiện nay của Timor-Leste cho thấy việc gia nhập ASEAN được coi là "cánh cửa" đặc biệt quan trọng giúp nước này bắt kịp với phần còn lại của thế giới đang phát triển.

Timor-Leste sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế ASEAN, một nền kinh tế trị giá khoảng 1,5 nghìn tỷ USD và một ​thị trường tiêu dùng lên tới 600 triệu người.

Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn phát triển kinh tế-xã hội và chính sách hỗ trợ của ASEAN sẽ tạo ra động lực để Timor-Leste thực sự chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế hiện đang phụ thuộc vào dầu ​khí cũng như tình trạng nhập siêu hơn 90%.

Cuối cùng, việc gia nhập ASEAN sẽ cho phép Timor-Leste có được một sự hiện diện lớn hơn và mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế nhờ việc gia nhập một liên kết mạnh mẽ trong một tổ chức khu vực có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Đất nước 14 tuổi đang trên đà chuyển động hướng tới ASEAN

Timor-Leste nỗ lực chuyển mình để hiện thực hóa "giấc mơ" ASEAN ảnh 2Thế hệ trẻ Timor-Leste, tương lai của đất nước này. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy, gia nhập ASEAN rõ ràng là nhu cầu bức thiết, yếu tố "sống còn" với tương lai phát triển của Timor-Leste. Các thế hệ lãnh đạo, người dân nước này đều đã nhận thức được điều này ​và đang nỗ lực chuyển nhận thức thành hành động trên cả ba mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội.

Ở lĩnh vực chính trị, cho đến 2015, Timor-Leste đã hoàn thành một trong những yêu cầu quan trọng của ASEAN với một nước ​xin gia nhập đó là đặt đại sứ quán ở tất cả 10 nước ​thành viên. Cuối năm trước, Timor-Leste đã được Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 27 trao quy chế quan sát viên- một vị thế mới giúp quốc gia này đến gần hơn rất nhiều chiếc ghế thành viên chính thức.

Trước đó, Timor-Leste đã trở thành thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ năm 2005, khi nước này ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Điều này đã chính thức hóa sự tham gia của Timor-Leste trong tham vấn về các vấn đề chính trị-an ninh cùng quan tâm với các nước trong khu vực và thế giới.

Về kinh tế, mới đây khi trả lời phỏng vấn các nhà báo ASEAN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Timor-Leste Helder Lopes tuyên bố nền kinh tế nước này đang thực sự chuyển động.

Và nếu có dịp đến với Timor-Leste trong quãng thời gian một năm trở lại đây, có thể nhận thấy sự quyết tâm, những động thái mà Chính phủ và nhân dân đất nước non trẻ này đang thể hiện nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế - tăng đầu tư cho du lịch và nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài hướng tới mục tiêu gia nhập ASEAN vào năm 2020.

Nếu như cách đây 3-4 năm, ngân sách Timor-Leste còn phụ thuộc nhiều nguồn thu từ dầu mỏ qua Quỹ dầu mỏ  (Petroleum Fund) thì tới nay, ngân sách thu chi của nước này đã không còn bị phụ thuộc vào quỹ khi Luật quản lý quỹ dầu mỏ ra đời năm 2011 quy định trần rút tiền từ quỹ không quá 3% số tiền trong quỹ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Timor-Leste Helder Lopes cho biết nước này sẽ duy trì sự ổn định của quỹ dầu mỏ ở mức 10 tỷ USD. Trong hơn 1 năm qua, Timor-Leste đã thu về được 2,9 tỷ USD cho quỹ dầu mỏ.

Ngày 17/5 vừa qua, một lễ ký kết hiệp định đầu tư đặc biệt xây dựng nhà máy ximăng giữa Chính phủ Timor-Leste và công ty TL Cement (vốn đầu tư Hàn Quốc) đã diễn ra ở thủ đô Dili. Dự án có trị giá 400 triệu USD này, dự kiến khi hoàn thành sẽ giúp Timor-Leste có được nguồn cung ứng ximăng ngay trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Dự án xây dựng nhà máy ximăng trên được Chính phủ Timor-Leste mô tả là hình mẫu đầu tư khi đáp ứng đủ ba mục tiêu cải cách kinh tế: gia tăng đầu tư tư nhân, khuyến khích đa dạng hóa nền kinh tế và tăng việc làm bền vững.

Trước đó, trong tháng 12/2015, Chính phủ Timor-Leste đã cấp quyền sử dụng đất cho một công ty quốc tế ​có trụ sở ở  Singapore để xây dựng một khu phức hợp khách sạn, trong đó có một khách sạn 5 sao với hơn 460 phòng. Giai đoạn xây dựng dự kiến ​​sẽ tạo ra 1.500 việc làm, và khi đi vào hoạt động, ước tính sẽ tạo ra và duy trì 1.300 việc làm. Các cơ sở vật chất cao cấp sẽ thu hút một số lượng lớn du khách đến đất nước này, hỗ trợ tổ chức các cuộc hội nghị, sự kiện quốc tế và thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp du lịch.

Một nhà máy bia của "gã khổng lồ" sản xuất bia Hà Lan, Heineken trị giá 40 triệu USD cũng đã được xây dựng tại Timor-Leste và dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất bia, nước giải khát vào cuối năm ​nay để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Mặc dù đã có những chuyển mình trong chính sách và các hoạt động của nền kinh tế, nhưng cũng cần thẳng thắn nhận ra Timor-Leste vẫn là một nước nghèo ở tốp dưới cùng của thế giới. Theo báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á, 49,9% người dân Timor-Leste vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ, và các chỉ số phát triển con người thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Đất nước này vẫn chưa tạo cho mình một đồng tiền riêng và vẫn chi tiêu bằng đôla Mỹ (USD). Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế, không bao gồm dầu khí ngoài khơi, là 6,2% trong năm 2015 và 6,6% vào năm 2016.

Dẫn những số liệu trên để thấy tất cả những dự án đầu tư nước ngoài ​kia mới chỉ là những bước đi đầu tiên của ​Timor-Leste trên một con đường dài, đầy chông gai khi đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế khi gia nhập ASEAN.

Nếu như lĩnh vực chính trị, kinh tế còn gặp những khó khăn nhất định trên còn đường đáp ứng các tiêu chuẩn của ASEAN thì lĩnh vực văn hóa-xã hội lại giúp những người dân Timor-Leste có cảm giác như thể họ đã là một thành viên của đại gia đình ASEAN.

Những trận bóng đá của đội tuyển nước này ở các giải vô địch bóng đá Đông Nam Á đã mang hình ảnh Timor-Leste đến với người dân các nước trong khu vực và kéo gần "bầu không khí gia đình" ASEAN tới người dân quốc đảo này.

Chính phủ Timor-Leste cũng đầu tư mạnh cho giáo dục và coi đầy là một ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập. Hiện trường đại học quốc gia Timor-Leste có khoảng 20.000 sinh viên theo học, cùng với đó là khoảng 11.000 sinh viên du học nước ngoài. Và nếu có dịp đến với Timor-Leste, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh từng tốp em học sinh phổ thông ở các cấp học tươi tắn trong màu áo đồng phục đến trường. Người dân Timor-Leste cũng tự hào khi họ có thể nói được bốn ngôn ngữ: Bồ Đào Nha, Anh, Indonesia và thổ ngữ Tetum. Đây là một lợi thế giúp Timor-Leste hội nhập nhanh hơn với đời sống quốc tế.

Và sắp tới với việc đăng cai Diễn đàn nhân dân ASEAN 2016, người dân Timor-Leste sẽ có cơ hội lớn để khẳng định với nhân dân các nước ASEAN rằng Timor-Leste là một phần của Đông Nam Á và thực sự đã sẵn sàng gia nhập đại gia đình ASEAN bất cứ lúc nào.

Với những kết quả đã đạt được, đất nước non trẻ mới chỉ 14 tuổi đang cho thế giới thấy sự vượt khó vươn lên kiên cường của họ, khát vọng xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định và hội nhập sau hơn 500 năm đấu tranh giành độc lập. Chắc chắn với những gì đã và đang làm, "giấc mơ" được là thành viên trong mái nhà chung ASEAN của người dân Timor-Leste sẽ sớm trở thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục