Tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm "cứu" chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đã “chìm trong sắc đỏ” trong hai phiên liên tiếp sau đó và bắt đầu hồi phục trở lại ở hai phiên cuối tuần nhờ báo cáo tích cực từ thị trường việc làm tháng Tư của Mỹ.
Tín hiệu tích cực từ thị trường việc làm "cứu" chứng khoán Mỹ ảnh 1Chứng khoán Mỹ đã “chìm trong sắc đỏ” trong hai phiên liên tiếp. (Ảnh: AFP)

Trong tuần qua, sau khi tăng điểm ở phiên đầu tuần (4/5), chứng khoán Mỹ đã “chìm trong sắc đỏ” trong hai phiên liên tiếp sau đó và bắt đầu hồi phục trở lại ở hai phiên cuối tuần. Đặc biệt, Phố Wall đã có phiên cuối tuần (8/5) tăng mạnh, nhờ báo cáo tích cực từ thị trường việc làm tháng Tư của Mỹ.

Đóng cửa phiên cuối tuần 8/5, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng được 167,05 điểm (0,93%) lên chốt tuần ở 18.191,11 điểm; S&P 500 tiến 7,81 điểm (0,37%) lên 2.116,10 điểm, chỉ còn thấp hơn có hai điểm so với đỉnh cao mọi thời đại của chỉ số này. Tuy nhiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite vẫn trượt nhẹ 1,84 điểm (0,04%) xuống chốt tuần ở 5.003,55 điểm.

Kéo chứng khoán Mỹ đi xuống trong hai phiên giữa tuần là một số số liệu kinh tế yếu kém, trong đó có thâm hụt thương mại tháng Ba tăng mạnh hơn 40% lên mức cao nhất sáu năm qua mà một phần là do đồng USD mạnh lên.

Bên cạnh đó là việc giá dầu tăng cao và những lo ngại mới xung quanh các cuộc đàm phán về vấn đề nợ của Hy Lạp. Các cổ phiếu còn bị nhà đầu tư bán tháo trong hai phiên này sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho rằng thị trường cổ phiếu Mỹ đã được định giá "quá cao" và điều đó đang gây nên nguy cơ tiềm tàng đối với sự bình ổn về tài chính.

Các nhà phân tích nói rằng, phát biểu của bà Yellen cho thấy Fed đang rất muốn tăng lãi suất bất chấp một vài số liệu kinh tế đáng thất vọng.

Tuy nhiên, Phố Wall đã phục hồi trở lại trong hai phiên cuối tuần trước những số liệu tích cực về thị trường việc làm. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 223.000 việc làm mới trong tháng Tư, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua là 5,4%.

Theo David Levy, Giám đốc công ty Kenjol Capital Management, số liệu trên là một "điểm sáng" đối với thị trường chứng khoán Mỹ bởi nó cho thấy nền kinh tế đầu tàu này chuyển sang một bước ngoặt mới sau quý I yếu kém vừa qua.

Tuy nhiên, thị trường việc làm Mỹ vẫn còn tồn tại một số điểm yếu như tiền lương hầu như không tăng và tình trạng thiếu việc làm vẫn gia tăng. Điều này cho thấy Fed có thể sẽ không vội nâng lãi suất và như thế thị trường chứng khoán vẫn còn cơ hội đi lên.

Tuần tới, nhà đầu tư tiếp tục được đón nhận một loạt số liệu kinh tế mới, trong đó có doanh thu bán lẻ tháng Tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục