Tín nhiệm của Mỹ tụt hạng lần đầu tiên trong lịch sử

Standard & Poor's, một trong những cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, đã hạ bậc AAA hàng đầu của Mỹ xuống còn AA+.
Standard & Poor's, một trong những cơ quan xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, đã hạ bậc AAA hàng đầu của Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra chuyện như vậy với nước Mỹ.
 
S&P đánh tụt xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ một bậc xuống còn AA+ với một triển vọng tiêu cực, nêu ra những mối quan ngại về khoản thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của quốc gia giàu nhất thế giới này.
 
S&P cho biết nguyên nhân khiến họ phải có hành động này là vì kế hoạch giảm nợ công mà Quốc hội Mỹ thông qua ngày 2/8 là "chưa đủ xa."
 
Washington bị mắc kẹt trong suốt nhiều tháng do cuộc cãi vã giữa các đảng chính trị về một dự luật nhằm nâng trần nợ công của Mỹ.

[Mỹ: Nâng mức trần nợ công là sự lựa chọn tất yếu]
 
Đây là lần đầu tiên Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm kể tư khi nước này lần đầu tiên được Moody's xếp hạng AAA năm 1917; Mỹ cũng được S&P xếp hạng tín nhiệm này kể từ năm 1941.
 
Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày đã phản pháo quyết định đánh tụt hạng tín nhiệm của S&P, nói rằng cơ quan này đã tính thiếu tới 2.000 tỷ USD. Trong một thông báo được đưa ra ngay sau khi S&P đánh tụt mức tín nhiệm. Bộ trên nói: "Chính việc tính sót 2.000 tỷ USD của S&P đã tự nói lên tất cả."

Trước đó, trong khi những tin đồn lan truyền về khả năng xuống hạng kể trên, các quan chức Mỹ giấu tên nói với giới truyền thông Mỹ rằng việc phân tích tình hình kinh tế Mỹ của S&P's bị lỗi nghiêm trọng.
 
Các phóng viên cho rằng việc đánh tụt hạng có thể làm xói mòn niềm tin hơn nữa của các nhà đầu tư quốc tế đối với nền kinh tế Mỹ, vốn đã vô cùng chật vật với khoản nợ công khổng lồ và con số thất nghiệp tới 9,1%.
 
Trong báo cáo công bố tối 5/8, S&P nói: "Việc đánh tụt hạng phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng kế hoạch củng cố tài khóa mà Quốc hội và chính phủ nhất trí gần đây đã không đạt được điều mà chúng tôi cho là cần thiết để ổn định khoản nợ trung hạn của chính phủ. Nói rộng hơn, việc đánh tụt hạng phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng tính hiệu quả, sự ổn định và khả năng đoán định trước của các thể chế chính trị và hoạch định chính sách Mỹ đã bị suy yếu trong bối cảnh đang vấp phải những thách thức kinh tế và tài khóa."

Hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s và Fitch đều cho biết họ chưa có kế hoạch hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vì muốn cho chính phủ nước này thêm thời gian để đạt tiến bộ với kế hoạch giảm nợ.

Tổng thống Barack Obama ngày 2/8 đã ký thành luật một dự luật mới sẽ nâng mức trần nợ của Mỹ, đồng thời tránh cho cường quốc kinh tế này khỏi bị vỡ nợ.

Ông Obama đã ký dự luật trên ngay sau khi nó được Thượng viện thông qua dự luật với tỉ lệ 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống. Trước đó, với tỉ lệ 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này.
 
Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã bị giảm 10,8% trong vòng 10 ngày giao dịch vừa qua do những lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có thể lại rơi vào cuộc suy thoái khác và vì khủng hoảng nợ châu Âu đang trở nên tồi tệ hơn khi đã lan sang Italy./.
 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục