Tin theo công ty đa cấp nhiều dân nghèo ở Kon Tum trắng tay

Không chỉ mời gọi người dân mua hàng với giá cắt cổ, nhân viên công ty đa cấp còn lừa đảo dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa để huy động vốn trái phép với lời hứa lãi suất cao.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn Kon Tum đã tăng lên gấp 19 lần.

Không chỉ mời gọi người dân mua hàng với giá cắt cổ, nhân viên công ty đa cấp còn lừa đảo dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa để huy động vốn trái phép với lời hứa lãi suất cao.

Trước tháng 4, khi người dân nghèo ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà chuẩn bị nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đức Nhân thì người của Công ty Thiên Ngọc VIII (Chi nhánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy, có trụ sở tại phường 13, quận 6, Thành phố Hồ chí Minh) về làng khám bệnh “giúp” dân.

Tại đây, người của công ty tiến hành châm cứu, sau đó hỏi han và chỉ cách làm giàu nhanh chóng cho người dân.

Trước khi nhận được tiền đền bù từ dự án thủy điện, nhà anh A Tik, một hộ nghèo ở làng Long Zôn, xã Đăk Pxi, nhân viên Công ty Thiên Ngọc VIII đã đến nhà động viên anh tham gia vào công ty. Để tạo niềm tin, người của công ty đã mời anh qua tỉnh Đắk Lắk để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm...

Tại đây, anh A Tik được thưởng 35 triệu đồng gọi là tiền thù lao, dù trước đó anh chưa đóng góp và chưa biết gì về công ty này.

Sau chuyến giao lưu, gia đình anh được đền bù 500 triệu đồng, đây là tiền đền bù rẫy càphê mà nhà anh nhường đất để làm thủy điện.

Với số tiền trên, anh đã xây một căn nhà nhỏ cho gia đình. Trong khi gia đình anh đang làm nhà thì người Công ty Thiên Ngọc VIII tiếp tục tiếp cận anh A Tik và kèm theo lời hứa mang lại thu nhập cao nếu góp vốn cùng công ty.

Tin lời hứa lãi suất cao, cộng thêm 35 triệu đồng ứng trước đã làm anh A Tik xiêu lòng. Anh A Tik đã lấy số tiền còn lại sau khi xây nhà là 248 triệu đồng để góp vào công ty.

“Họ nói gửi ngân hàng lãi thấp, nếu đưa vốn vào công ty thì nhanh nhất 1 năm, chậm nhất là 2 năm thì số tiền sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba số đó.

Tiền lãi bao nhiêu thì mình không biết,” anh A Tik cho biết. Điều đặc biệt, khi giao số tiền trên, anh không có giấy biên nhận từ phía công ty.

Ngoài anh A Tik, gia đình anh A Anh ở làng Long Zôn, xã Đăk Pxi cũng được Công ty Thiên Ngọc VIII gõ cửa góp vốn. Tin theo lời hứa lãi suất cao, anh A Anh đã góp gần 200 triệu đồng cho công ty.

Và cũng như anh A Tik, anh A Anh cũng không nhận được bất kỳ giấy biên nhận nào từ công ty.

Số tiền đền bù anh đã nộp vào công ty và làm nhà, mua rẫy... chẳng còn là bao. Trong lúc chờ lãi cao từ Công ty Thiên Ngọc VIII thì 11 miệng ăn nhà anh A Anh đang phải gồng mình sống qua ngày.

Điều đáng nói là việc người của công ty đa cấp về làng huy động người dân góp vốn nhưng chính quyền địa phương lại không hề biết.

Anh A Un - Phó trưởng thôn Long Đuân, xã Đăk Pxi cho biết​ khi biết người dân nhận tiền đền bù thì người công ty trực tiếp đến tuyên truyền. Anh cứ nghĩ đó là người của ngân hàng, sau này mới biết là tư nhân. Họ tuyên truyền người dân gửi tiền, sau 2-3 năm sẽ thanh toán cho người dân, lúc đó số tiền sẽ gấp 2-3 lần. Tiền càng lớn thì lợi nhuận càng nhiều, người dân thấy vậy cho nên góp vốn.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà, toàn huyện có 11 người nộp tiền vào Công ty Thiên Ngọc VIII với tổng số tiền trên 580 triệu đồng, trong đó riêng làng Long Đuân có tới 8 người.

Ngoài anh A Tik và A Anh thì trong làng còn có anh A Giang nộp 23 triệu đồng, anh A Sét 60 triệu đồng...

Tất cả các hộ góp vốn cho công ty đều là hộ nghèo, vừa nhận được nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện đã bị người của Công ty Thiên Ngọc VIII kinh doanh đa cấp tiếp cận, mời gọi góp vốn với lời hứa mang lại lợi nhuận cao.

Ông Võ Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết nếu người dân bị huy động vốn, xét thấy khả năng không thu lại được vốn thì người dân nên tố giác với cơ quan nhà nước để được bảo vệ.

Ngoài việc lừa người dân góp vốn, tại huyện Đăk Hà còn có 146 người tham gia bán hàng đa cấp cho công ty này. Theo đó, khách hàng sau khi mua hàng hóa, trở thành nhân viên kinh doanh và được cấp thẻ chuyên viên kinh doanh cấp 1.

Mỗi khách hàng nếu giới thiệu thêm khách hàng mới sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng được tính theo giá niêm yết trên sản phẩm…

Ngoài Công ty Thiên Ngọc VIII thì trên địa bàn huyện Đăk Hà còn có tới 6 công ty khác chuyên bán hàng đa cấp như Thương mại Lô Hội, Her​balife, Liên kết trí thức, Amway, Thiên sư và Morinda với tổng số người tham gia gần 480 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục