Khúc vĩ thanh lạ kỳ

Tình bạn lạ kỳ của hai cựu phi công Việt Nam-Mỹ

Từng bắn hạ nhau trên bầu trời Hà Nội, sau gần 40 năm, hai phi công một Việt một Mỹ, đã gặp lại nhau và xây nên tình bạn cảm động.
Từng đứng ở hai bờ chiến tuyến để rồi đụng độ nảy lửa trên bầu trời Hà Nội, nhưng trải qua gần 40 năm, hai người đàn ông, một Việt, một Mỹ lại bất ngờ gặp nhau để viết nên khúc vĩ thanh của một câu chuyện cảm động.

Câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa Nguyễn Hồng Mỹ và Dan Cherry, những cựu phi công bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho tình bạn xóa tan hận thù.

Giấc mơ bay không tròn

Nguyễn Hồng Mỹ đã bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện của hai người từng là kẻ thù đi tìm nhau một cách khá lạ. Đầu cạo trọc, sợi dây chuyền to lỉnh kỉnh nhưng người đàn ông trông rất “ngầu” ấy lại… đọc thơ về giấc mơ bay chưa tròn.

Hai tám tuổi, ông đã phải chia tay với cảm giác lộn nhào trên bầu trời khi bị thương trong một trận chiến trên không. Khi ấy, ông và người đồng đội đang điều khiển hai chiếc MIG 21 thì bị 36 chiếc F4 của địch quây kín.

Ông bảo, lúc ấy, ông chỉ còn thấy bóng máy bay địch nhoang nhoáng xung quanh, tiếng động cơ ù ù như xay lúa. Được một lúc, tám chiếc F4 tách tốp, áp sát và bám chặt theo người phi công trẻ. Sau một hồi quần thảo, bất ngờ Mỹ thấy khói bốc ngùn ngụt từ thân chiếc máy bay mình đang ngồi. Trời chao nghiêng và máy bay rơi vùn vụt xuống cái hố sâu hoắm hơn nghìn mét phía dưới. Hồng Mỹ may mắn thoát chết trong cuộc đụng độ đó nhưng cả hai cánh tay thì gãy nát.

“Lúc ấy, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi là dù thế nào cũng phải bay trở lại. Đôi tay gãy được gắn lại bằng một chiếc nẹp sắt. Nhưng khi đã ngồi vào khoang lái quen thuộc, bẻ mạnh tay thì chiếc nẹp lại gãy làm đôi,” ông Mỹ bùi ngùi nói.

Lần mổ thứ hai, các bác sĩ phải dùng một mảnh xương chậu để nối hai đoạn xương lại.

Ông Mỹ cười thật tươi khi lật giở từng bức ảnh năm nào “khoe” chúng tôi. Nhưng, đôi mắt ông xa xăm như đang nhìn về một nơi nào đó, nơi mà ông Mỹ vẫn thường ngân nga trong những câu thơ:

“Em ơi em, máu bọn anh đã đổ để giữ cho vòm cao mãi trong lành
Có bao giờ em ngắm trời xanh mà thấy bao tủi hờn khó nhọc
Có bao giờ nhìn trời mà em khóc
Có bao giờ theo hút một bóng chim mà em thấy lòng buồn trống trải”


Đang đọc những câu thơ ấy cho chúng tôi, bỗng dưng người đàn ông lặng lại. Nhìn tấm ảnh chụp cùng đồng đội tại đoàn không quân Sao Đỏ năm nào nay đã hoen ố, ông rưng rưng: “Chết, chết, sống, chết, chết, chết, chết, sống…” .

Hình như, càng sống và trải đời, người ta lại càng nghĩ nhiều hơn về quá khứ. Với ông Mỹ, nỗi ám ảnh về những đồng đội năm xưa đã quấn chặt lấy ông trong suốt mấy chục năm.

Ở cách bên kia nửa vòng trái đất, cũng có một người phi công già mấy chục năm qua vẫn luôn day dứt với những nỗi niềm hậu chiến. Đó là Dan Cherry, người phi công điều khiển chiếc F4 bắn vào chiếc MIG 21 của Hồng Mỹ.

Dan vẫn luôn tự hỏi mình: Người phi công kia là ai, anh có sống sót sau làn lửa dữ không? Nếu còn, không biết bây giờ cuộc sống của anh ra sao?

Tình cờ Dan Cherry biết đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Với niềm hy vọng tìm ra đáp án cho những câu hỏi trong suốt bao năm qua của mình, ông đã viết một bức thư rất cảm động cho chương trình.

Sau hơn một tháng nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng hai người lính già cũng đã hội ngộ cùng nhau.

Vị khách đặc biệt

Bây giờ, khi cuộc chiến đã rời xa, ngồi với chúng tôi không còn là anh phi công năm nào nữa. Ông Mỹ đã điềm đạm hơn để nhìn lại những gì thuộc về quá khứ. Đưa bức thư của Dan cho chúng tôi xem, ông tâm sự: “Tuy chúng tôi đã từng là kẻ thù nhưng tôi có cảm giác chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Giờ đây, chúng tôi có thể tìm thấy một tình bạn mạnh mẽ.”

Sau lần hội ngộ trong khuôn khổ chương trình Chưa như hề có cuộc chia ly số 5 (diễn ra năm 2008), hai người đứng ở hai bên đầu chiến tuyến năm nào đã xích lại gần nhau hơn. Trong khoảng gần một năm trời sau đó, những dòng thư và các cuộc điện thoại đã nối khoảng cách hai bờ châu lục giữa những người bạn gần thêm.
 
Và cả hai cùng bắt tay để viết nốt cái kết có hậu cho ngày đoàn tụ. Nhận lời mời của Dan, tháng 4/2009, ông Hồng Mỹ đã có cuộc hành trình sang Hoa Kỳ để thăm lại chiếc phi cơ chiến đấu F4 đầy duyên nợ khi xưa, hiện đang được trưng bày tại Công viên Aviation Heritage ở Kentucky.

Trong một bức thư gửi cho ông Hồng Mỹ trước ngày lên đường, Dan Cherry đã viết: “Ở đây mọi người đều rất hào hứng về chuyến đi sắp tới của ông đến Mỹ. Rất nhiều người muốn gặp người phi công dũng cảm lái chiếc MIG 21 và nghe câu chuyện của ông.”

Kể lại với chúng tôi, ông Mỹ vẫn còn nhớ như in hình ảnh một bà mẹ khắc khổ có con từng là phi công tại chiến trường Đông Dương. Bà đã bay 6000 cây số tới nơi ông Mỹ nghỉ chân chỉ để hỏi xem, ông Mỹ có biết con trai mình ở đâu không. Ông cũng nhớ hình ảnh hàng trăm người đội nắng chỉ để nghe ông kể chuyện về cuộc chiến năm xưa. Với ông Mỹ, tất cả những kỷ niệm đó như khiến những khắc khoải bấy lâu trong ông chợt bình lặng lạ thường.

Ông say sưa đi và nói với những người bạn mới quen, với thế hệ trẻ nước Mỹ bao điều mà đồng đội đã gửi gắm và tự ông đã trải nghiệm. Ông đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết ấy sang cả những người xung quanh. Giống như Cherry đã nói trên kênh truyền hình History (The History Chanel): “Với tôi, anh ấy mới là anh hùng!”

Điều đặc biệt nhất là, niềm đam mê xưa, sau khi đã đi qua quá nửa cuộc đời, lại bất ngờ được nhóm lên. Giấc mơ bay đã trở thành hiện thực khi ông được tự tay điều khiển chiếc máy bay du lịch nhỏ của Dan. Cảm giác vi vu nơi trời rộng mà ông đã đánh mất sau mấy chục năm đã được tìm lại. Giọng nói hớn hở đầy tự hào và nụ cười như không thể khép, người ta thấy ông thật trẻ và nói nhiều hơn sau chuyến đi ấy.

Cũng trong chuyến đi này, ông Mỹ cũng đã có cuộc hội ngộ với người phi công lái chiếc máy bay mà khi xưa trong một trận chiến năm 1972, ông đã bắn rơi. Đây là món quà bất ngờ mà Dan Cherry đã rất vất vả chuẩn bị cho ông  trong lần đầu tiên thăm nước Mỹ. “Hồng Mỹ là một vị khách đặc biệt của nước Mỹ!” Không ít người đã thốt lên như vậy khi gặp ông.

Nguyễn Hồng Mỹ và Dan Cherry, hai người họ đang viết nốt khúc vĩ thanh có hậu cho cuộc đời mình nhưng đó sẽ là khúc dạo đầu tươi sáng của những thế hệ sau này khi mà hận thù hay đau thương không còn hiện diện nữa./.

Xuân Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục