Tình cảm đặc biệt của một nhà nghiên cứu Hong Kong với Bác Hồ

Bác Lý Minh Hán tâm sự dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng nhân dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới, trong đó có gia đình bác, đều vô cùng kính trọng và luôn ghi sâu hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ.
Tình cảm đặc biệt của một nhà nghiên cứu Hong Kong với Bác Hồ ảnh 1Bác Lý Minh Hán thăm lại Tòa án Tối cao Hong Kong, nơi Bác Hồ từng 9 lần bị xét xử trong thời gian hoạt động cách mạng ở Hong Kong. (Ảnh: Mạc Luyện/Vietnam+)

Lần đầu tiên gặp bác Lý Minh Hán, một người Hong Kong (Trung Quốc) đã có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi vô cùng ngạc nhiên trước những hiểu biết sâu sắc của bác về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đã sắp bước sang tuổi 80, nhưng bác rất minh mẫn. Bác say sưa kể lại cho tôi nghe những hiểu biết của mình bằng tiếng Việt về Bác Hồ như đang kể về chính một người ruột thịt.

Bác kể từ hành trình Bác Hồ bắt đầu đến Hong Kong, đến những gian truân mà Người gặp phải trong quá trình hoạt động cách mạng ở đây như bị nhà cầm quyền Hong Kong nhiều lần bắt giam, xét xử cũng như tình bạn thủy chung mà Bác Hồ đã gây dựng được với vợ chồng luật sư Loseby - vị luật sư từng vì khâm phục trước nhân cách của Bác Hồ nên đã tự nguyện bào chữa miễn phí cho Người, bất chấp cảnh sát Anh và mật thám Pháp nhiều lần đe dọa, gây trở ngại.

Theo lời kể của bác Lý Minh Hán, trong những năm 1959-1961, bố vợ bác làm đầu bếp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam, chuyên nấu ăn cho đại sứ lúc bấy giờ là ông Hà Vĩ.

Không lâu sau khi ông đến Hà Nội, đại sứ đã yêu cầu ông nấu theo vị Quảng để Bác Hồ nếm thử và đồng thời đánh giá tay nghề của đầu bếp mới. Ông đã rất xúc động và hồi hộp vì được nấu cơm cho Bác Hồ là một vinh dự to lớn của cả đời người.

Sau đó, Bác có vài lần qua dùng bữa với đại sứ trong những trường hợp phi chính thức, bố vợ bác Lý Minh Hán đều hân hạnh được nấu cơm tiếp đón Người.

Hai vợ chồng bác Lý Minh Hán đều tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1969, rồi về công tác ở thành phố Quảng Châu.

Nhờ ưu thế ngoại ngữ mà bác Hán cũng đã có nhiều dịp đến Việt Nam làm ăn buôn bán, phiên dịch, có nhiều người bạn ở Việt Nam.

Năm 2000, bác Hán có vinh dự được mời làm cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong.” Bộ phim đã nhận được sự đánh giá cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Bác cũng đã có cơ hội được gặp một số nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bác tâm sự nhờ làm cố vấn cho bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” mà bác đã có những tìm hiểu sâu hơn về Bác Hồ, với tên gọi Tống Văn Sơ trong những năm tháng gian truân ở Hong Kong, để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hong Kong, bị nhà cầm quyền Hong Kong nhiều lần bắt giữ, xét xử, nhưng cuối cùng với sự trợ giúp của gia đình luật sư Loseby, Người đã rời khỏi Hong Kong an toàn.

Sau này, mỗi dịp đến ngày sinh nhật Bác Hồ, bác Hán từng nhiều lần có cơ hội đưa cán bộ nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong đi tham quan, giới thiệu nhiều địa điểm từng là nơi Bác Hồ sinh sống, bị giam giữ và xét xử. Có nhiều đoàn của Việt Nam sang Hong Kong cũng nhờ bác Hán đưa đi giới thiệu.

Bác Lý Minh Hán đã mua và đọc rất nhiều tài liệu về Bác Hồ. Năm 2011, với tình yêu vô tận dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác đã xuất bản cuốn sách “Giải mã bí danh Hồ Chí Minh.”

Cuốn sách đã được bán rất chạy ở Hong Kong, Việt Nam cũng đặt mua số lượng lớn sách này.

Bác Hán tâm sự dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng không những nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc trong đó có gia đình bác, đều vô cùng kính trọng cụ Hồ và luôn ghi sâu trong lòng hình ảnh cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

[Bản lĩnh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Hong Kong]

Có cơ hội đến tác nghiệp ở một địa bàn nước ngoài, đặc biệt là Hong Kong chính là nơi Bác Hồ đã có những năm tháng hoạt động hết sức gian khổ, để tìm hiểu về Bác là một sự trải nghiệm vô cùng quý báu đối với tôi.

Được tiếp xúc với một nhà nghiên cứu với những am hiểu vô cùng sâu sắc về Bác Hồ lại càng đáng trân quý biết bao.

Bác Lý Minh Hán coi các phóng viên TTXVN tại cơ quan thường trú Hong Kong như những người bạn thân thiết.

Vào mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, hay kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, bác đều dành nhiều thời gian để cùng trò chuyện với các anh, chị, em phóng viên, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp về Người.

Hong Kong mấy ngày qua mưa rả rích suốt ngày, nhưng bác Lý Minh Hán đã không quản ngại đường xa, không quản ngại trời mưa, đã đưa chúng tôi đến nơi Bác Hồ từng 9 lần bị xét xử ở Tòa án Tối cao, đã sống 3 ngày trước khi rời khỏi Hong Kong ở Ký túc xá Hội thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa, để giúp chúng tôi hoàn thành sản phẩm “Những nỗi gian truân của Bác Hồ ở Hong Kong” phát sóng trên kênh Truyền hình Thông tấn.

Ngoài sự nhiệt tình, có lẽ chính tình cảm đặc biệt, sự trân quý Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp bác Lý Minh Hán có những hiểu biết sâu sắc về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đến vậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục