Tỉnh Gia Lai tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Séc

Từ ngày 27-30/3, đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai do ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh dẫn đầu, đã tới Cộng hòa Séc để kêu gọi đầu tư và xúc tiến thương mại​-du lịch.
Tỉnh Gia Lai tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Séc ảnh 1Buổi làm việc giữa Đoàn cán bộ và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai với Phòng Kinh tế Séc. (Nguồn: Trần Quang Vinh)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, từ ngày 27-30/3, đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai do ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh dẫn đầu, đã tới Cộng hòa Séc để kêu gọi đầu tư và xúc tiến thương mại​-du lịch.

Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế Séc Borivoj Minar, ông Võ Ngọc Thành đã giới thiệu về tiềm năng kinh tế và chính sách khuyến khích đầu tư​-thương mại​-du lịch của địa phương.

Với vị trí địa lý, khí hậu và tiềm năng đất đai sẵn có, tỉnh Gia Lai rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày và phát triển chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh có trên 79.700 ha càphê, gần 103.000 ha cao su, trên 17.000 ha điều, 14.500 ha hồ tiêu…

Gia Lai cũng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch - dịch vụ, lữ hành, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, thiên nhiên nổi tiếng. Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại,...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Ngọc Thành cũng cho biết, tỉnh Gia Lai đang mời gọi đầu tư vào 61 dự án trong các lĩnh vực xây dựng kinh tế hạ tầng; công nghiệp chế biến nông lâm sản; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; công nghiệp năng lượng; nông, lâm nghiệp; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch.

Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế Séc Minar hoan nghênh việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chọn Cộng hòa Séc là đối tác ưu tiên mời gọi đầu tư và hợp tác.

Ông đánh giá cao tiềm năng kinh tế của Gia Lai và cho rằng những đặc điểm tự nhiên và kinh tế​-xã hội của tỉnh rất đáng được các nhà đầu tư Séc quan tâm. Ông cho biết, với chức năng của mình, Phòng Kinh tế Séc sẽ tư vấn cho các nhà doanh nghiệp Séc xem xét cơ hội hợp tác​-đầu tư vào Gia Lai trong các dự án và lĩnh vực hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Ông cũng ủng hộ sự hợp tác kinh tế​-thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn có kế hoạch làm việc với Bộ Công Thương, Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Vận tải Séc, Hội đồng tỉnh Ostrava, Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Tại buổi tiếp đoàn tại trụ sở Đại sứ quán, Đại sứ Trương Mạnh Sơn nhấn mạnh, Đại sứ quán xác định năm 2017 là “Năm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác Việt-Séc,” trong đó có việc thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước.

Đại sứ Trương Mạnh Sơn cũng đã giới thiệu với đoàn những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của các doanh nghiệp Séc mà các địa phương Việt Nam có thể hợp tác, như chế biến nông lâm sản, phân bón, xe tải, máy kéo, đầu tàu hỏa...

Đại sứ cũng chỉ ra những rào cản trong hợp tác kinh tế​-hương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, như các thủ tục hành chính, văn bản pháp luật giữa hai bên còn có những điểm khác biệt, địa lý xa xôi và chưa có chuyến bay thẳng giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục