Tình hình Bắc Phi, Trung Đông diễn biến phức tạp

Khủng hoảng chính trị với các cuộc biểu tình tại nhiều nước ở Bắc Phi và Trung Đông ngày 18/2 có thêm những diễn biến phức tạp.
Các cuộc biểu tình tại nhiều nước ở Bắc Phi và Trung Đông ngày 18/2 có thêm những diễn biến phức tạp.

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Bahrain làm hàng chục người bị thương, Libya triển khai quân đội tại thành phố Benghazi, hai phe biểu tình ủng hộ và chống chính phủ xô xát tại Yemen và Jordan, trong khi tại Iran, hàng chục nghìn người biểu tình ủng hộ chính phủ đòi treo cổ hai nhà lãnh đạo đối lập...

Tại Bahrain, ít nhất 60 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình tại quảng trường Ngọc trai ở thủ đô Manama, trong đó 4 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Quốc vương Bahrain, Hamad Al-Khalifa thông báo đã đề nghị khởi động một cuộc đối thoại dân tộc với tất cả các bên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua tại quốc đảo này.

Quân đội Bahrain cũng cảnh báo người dân không được tới trung tâm thủ đô. Anh và Mỹ đã khuyến cáo công dân nước mình không tới Bahrain thời điểm này.

Tại Libya, các nhân chứng cho biết quân đội đã được triển khai tại thành phố Benghazi khi hàng nghìn người tham dự lễ tang những người biểu tình thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh hôm 17/2.

Sau đám tang, các cuộc biểu tình lại tiếp diễn tại thành phố lớn thứ hai này của Libya, nhiều trụ sở cơ quan công quyền đã bị phóng hỏa, trong đó có trụ sở đài phát thanh thành phố.

Trong khi đó, trang mạng của tờ Oea cho biết người biểu tình tại thành phố Al-Baida, miền Đông nước này, đã treo cổ hai cảnh sát sau khi bắt cóc họ. Nguy hiểm hơn, tờ Quryna đưa tin khoảng 1.000 tù nhân đã vượt ngục tại Benghazi.

Cùng ngày, Ủy ban Cách mạnh Libya dọa sẽ phản ứng "cứng rắn và thẳng tay" đối với những "kẻ mạo hiểm" biểu tình chống chế độ.

Tại Ai Cập, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang ra tuyên bố sẽ không tha thứ cho người biểu tình gây bất ổn kinh tế quốc dân. Tuyên bố nêu rõ Hội đồng "không cho phép tiếp diễn các hành động bất hợp pháp gây nguy hại cho đất nước, và sẽ áp dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ an ninh quốc gia."

Trong khi đó, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, khoảng 2 triệu người đã tham gia biểu tình tại Quảng trường Tahrir để kỷ niệm cuộc biểu tình 18 ngày lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Rạng sáng ngày 19/2, các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết đã xảy ra một vụ cháy lớn tại quận đông dân cư Duweiqa ở Cairo. Lửa phát ra từ một khu nhà ổ chuột đêm 18/2 và lan ra các tòa nhà 4-5 tầng dành cho người có thu nhập thấp. Chính quyền thành phố đã huy động 40 xe cứu hỏa đến dập tắt đám cháy. Hiện tại, nguyên nhân của vụ cháy cũng như con số thương vong vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người ủng hộ Chính phủ Iran đã đổ ra các đường phố Tehran đòi treo cổ hai thủ lĩnh phe đối lập là ông Hossein Mousavi và ông Mehdi Karroubi vì tội "nổi loạn." Cả hai nhân vật này đều đang bị quản thúc tại gia.

Trong các tuyên bố được đăng tải trên Internet, ông Karroubi cho biết sẵn sàng "trả bất cứ giá nào," trong khi ông Mousavi khẳng định các cuộc biểu tình chống chính phủ của lực lượng đối lập Iran đã giành được "thành tựu lớn."

Cùng ngày 18/2, những người ủng hộ Chính phủ Hoàng gia Jordan đã đụng độ với những thanh niên biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Amman, làm 8 người của cả hai bên bị thương. Đây là vụ bạo động đầu tiên kiểu này kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra ở nước này cách đây mấy tuần. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Yemen làm 3 người thiệt mạng và 76 người khác bị thương tại các thành phố lớn Taiz, Aden, Sanaa.

Trong một diễn biến mới nhất, hàng nghìn người đã xuống đường tham gia một cuộc biểu tình chưa từng thấy ở Djibouti, một quốc gia nhỏ bé thuộc vùng Sừng châu Phi, đòi Tổng thống Ismael Omar Guelleh từ chức.

Người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát, buộc lực lượng này phải sử dụng hơi cay để giải tán. Cuộc biểu tình hiếm thấy này diễn ra trong bối cảnh người dân phản đối việc Tổng thống Guelleh đã sửa đổi hiến pháp hồi năm 2010 để tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư tới.

Trong bối cảnh trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án bạo lực tại Bahrain, Libya và Yemen đồng thời bày tỏ chia buồn với các gia đình nạn nhân.

Ông Obama cũng kêu gọi chính phủ tại ba nước này kiềm chế trong cách xử lý các cuộc biểu tình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon cũng bày tỏ quan ngại và kêu gọi Bahrain tiến hành đối thoại với người dân đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế, tránh để bạo lực leo thang.

Anh, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Libya kiềm chế. Pháp và Anh cho biết đã tạm ngừng giấy phép xuất khẩu trang thiết bị an ninh đến cả Bahrain và Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục