Tình hình COVID-19 ngày 30/1: Thế giới có hơn 2,2 triệu ca nhiễm

Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 26,5 triệu ca nhiễm và 447.146 ca tử vong (tăng 3.339 ca tử vong trong 24 giờ qua), tiếp đó đến Ấn Độ với hơn 10,7 triệu ca nhiễm và 154.176 ca tử vong...
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 30/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 102.587.298 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.214.227 ca tử vong. Có tới 74.295.513 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và phục hồi. Vẫn còn 109.021 đang trong tình trạng bệnh nặng, nguy kịch.

Mỹ đã có hơn 26,5 triệu ca nhiễm và 447.146 ca tử vong (tăng 3.339 ca tử vong trong 24 giờ qua). Tiếp đó đến Ấn Độ với hơn 10,7 triệu ca nhiễm và 154.176 ca tử vong; Brazil với hơn 9,1 triệu  ca nhiễm và 222.775 ca tử vong. Đặc biệt, với tổng cộng 155.145 ca tử vong do COVID-19, Mexico đã vượt Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong cao thứ ba thế giới  sau Mỹ và Brazil.

Đại dịch COVID-19 là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mỹ trong tháng đầu tiên của năm 2021 bởi trung bình mỗi ngày đại dịch cướp đi mạng sống của hơn 3.000 người Mỹ, theo kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Y tế Peterson và Quỹ Kaiser (Kaiser Family Foundation) tiến hành vừa được công bố ngày 29/1.

Kết quả khảo sát cho thấy tính đến ngày 26/1/2021, mỗi ngày nước Mỹ có trung bình 3.049 ca tử vong vì COVID-19; 2.068 ca tử vong vì bệnh tim mạch; và 1.639 ca tử vong vì ung thư.

Trước khi xảy ra đại dịch, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ hàng năm. Nghiên cứu này có sử dung cả dữ liệu theo dõi tỷ lệ tử vong vì COVID-19 do Quỹ Kaiser lưu trữ và cả dữ liệu của Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Hồi tháng 10/2020, Trung tâm Peterson và Quỹ Kaiser đã từng công bố một khảo sát tương tự sau khi số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ cán mốc 200.000 ca. Tại thời điểm đó, COVID-19 mới là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba tại Mỹ.

[Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Thái Lan, Philippines, Nga vẫn ở mức cao]

Cũng tại Bắc Mỹ, để hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo một loạt biện pháp, bao gồm việc dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ các địa danh đầy nắng - những địa điểm “trốn Đông” quen thuộc của người dân Canada.

Thủ tướng Trudeau khẳng định: “Với những thách thức mà chúng ta hiện đang đối mặt với COVID-19, cả ở trong và ngoài nước, chúng tôi đều nhất trí rằng bây giờ không phải là lúc để bay.”

Các hãng Air Canada, WestJet, Sunwing và Air Transat đều đã đồng ý hủy dịch vụ hàng không đến “tất cả các điểm đến ở Caribe và Mexico” bắt đầu từ 31/1 đến 30/4.

Kể từ ngày 7/1, Chính phủ Canada đã yêu cầu hành khách nhập cảnh vào Canada phải có xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này. Ngoài yêu cầu trên, trong những tuần tới, chính phủ liên bang sẽ áp dụng xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với hành khách khi đến các sân bay (lần xét nghiệm thứ hai).

Bộ Giao thông Vận tải Canada cho biết trong những tuần tới, tất cả khách nhập cảnh Canada qua đường không phải đặt trước một phòng trong một khách sạn được Chính phủ Canada phê duyệt trong 3 đêm và xét nghiệm COVID-19.

Tình hình COVID-19 ngày 30/1: Thế giới có hơn 2,2 triệu ca nhiễm ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên quan đến quy định này, Thủ tướng Canada cho biết, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm COVID-19, khách nhập cảnh sẽ bị buộc phải cách ly tối đa 3 ngày tại một khách sạn được chỉ định và tự chi trả chi phí này - dự kiến là hơn 2.000 CAD (trên 1.500 USD).

Những người có kết quả xét nghiệm âm tính sau đó sẽ có thể cách ly tại nhà. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ ngay lập tức được yêu cầu cách ly tại các cơ sở được chính phủ chỉ định.

Cho đến thời điểm này, Canada đã có tổng cộng 769.236 ca nhiễm, trong đó có 19.772 trường hợp tử vong.

Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 29/1 cho rằng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên ở Anh và Nam Phi, có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với Pháp, song nước này vẫn có thể tránh được đợt phong tỏa trên phạm vi toàn quốc lần thứ 3.

Thủ tướng Castex khẳng định Pháp sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực biên giới, giảm số người được phép đến các trung tâm mua sắm và tăng cường hoạt động tuần tra của lực lượng cảnh sát để ngăn chặn các đối tượng vi phạm lệnh giới nghiêm hàng đêm.

Trong khi đó, Italy thông báo sẽ nới lỏng các quy định hạn chế tại phần lớn các khu vực trên toàn quốc kể từ ngày 1/2, bất chấp những lời cảnh báo từ giới chuyên gia y tế cho rằng động thái này sẽ mang lại nhiều rủi ro giữa lúc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Chính phủ Đức đang lên kế hoạch áp đặt một lệnh cấm nhập cảnh nhằm ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài xâm nhập vào nước này. Dự kiến, lệnh cấm này có thể được áp dụng từ ngày 31/1 và kéo dài đến ngày 17/2.

Chính phủ Đức muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh từ Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Nam Phi và Brazil, đã được Bộ Nội vụ lên kế hoạch trước đó. Danh sách số lượng các quốc gia thuộc diện cấm nhập cảnh sẽ được tăng lên dần. Đức cũng sẽ phân loại thêm 10 quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á là các khu vực có nguy cơ cao kể từ ngày 31/1.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), 10 quốc gia này gồm Afghanistan, Botswana, Ecuador, Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia, Zimbabwe, Sudan và Syria. Ngoài ra, Vương quốc Eswatini và Vương quốc Lesotho thuộc miền Nam châu Phi cũng được tuyên bố là khu vực có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cho đến nay, Đức đã có quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn đối với các nước thuộc danh sách này, nhưng không có lệnh nhập cảnh rõ ràng.

Theo Bộ Nội vụ Đức, các lệnh cấm nhập cảnh nhằm đảm bảo những người từ các khu vực có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ có thể vào nước này trong những trường hợp ngoại lệ được áp dụng đối với người sống và có quyền cư trú tại Đức, cũng như việc vận chuyển hàng hóa, luân chuyển nhân viên y tế, các chuyến bay cứu thương, vận chuyển nội tạng cấy ghép và vận chuyển vì lý do nhân đạo khẩn cấp.

Trong khi đó, trước dấu hiệu dịch COVID-19 thuyên giảm trong nước, Chính phủ Ba Lan đã cho phép các trung tâm thương mại, bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật mở cửa trở lại từ ngày 1/2, song vẫn duy trì hầu hết các biện pháp hạn chế tới ngày 14/2.

Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko ngày 29/1 dự báo tháng 2 và tháng 3 tới có thể là giai đoạn bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19 ở LB Nga, do đại dịch bắt đầu bị đẩy lùi.

Bộ trưởng Y tế Nga nói: “Tôi nghĩ tháng 2 đến tháng 3 sẽ là những bước ngoặt và đại dịch sẽ bắt đầu bị đẩy lùi.” Bên cạnh đó, ông Murashko cũng lưu ý rằng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga vẫn còn cao, do đó người dân nước này vẫn cần tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa.

Theo ông Murashko, Nga đã cung cấp hơn 4 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 để phục vụ chiến dịch tiêm chủng đại trà ở trong nước. Trong 1 ngày qua, hơn 1 triệu liều vắcxin COVID-19 đã sẵn sàng được vận chuyển đến các địa phương.

Theo kế hoạch, đến cuối ngày 29/1, Nga dự kiến sẽ cung cấp thêm khoảng 200.000 liều vắcxin vào lưu thông dân sự.

Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 3.813.048 ca mắc COVID-19, trong đó có 72.185 bệnh nhân tử vong.

Tình hình COVID-19 ngày 30/1: Thế giới có hơn 2,2 triệu ca nhiễm ảnh 2(Ảnh: THX/TTXVN)

Cũng trong ngày 29/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo vắcxin ngừa COVID-19 do  Đại học AstraZeneca-Oxford phát triển đã được cấp phép cho thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Bà von der Leyen viết trên trang twiter của mình bày tỏ hy vọng công ty sẽ cung cấp 400 triệu liều thuốc như đã thỏa thuận, trong bối cảnh Brussels và AstraZeneca đang tranh cãi căng thẳng về tình trạng trì hoãn sản xuất.

Vắcxin của AstraZeneca là sản phẩm thứ 3 được chấp thuận sử dụng cho 27 quốc gia thành viên EU sau các vắcxin do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã ra khuyến cáo về việc sử dụng AstraZeneca phòng ngừa đại dịch COVID-19, theo đó chỉ nên tiêm vắcxin này cho những  người trên 18 tuổi. 

EMA cho biết đã tổng hợp kết quả từ 4 thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Brazil, Nam Phi và kết quả cho thấy vắcxin AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa đại dịch COVID-19 ở những người trên 18 tuổi. Hầu hết những người tham gia vào các cuộc nghiên cứu ở độ tuổi từ 18-55 tuổi và hiện chưa có đủ kết quả đánh giá ở những người tham gia lớn tuổi hơn (trên 55 tuổi).

Tuy nhiên, dựa trên phản ứng miễn dịch, những kinh nghiệm đối với các loại vắcxin khác và xuất phát những thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của vắcxin đối với nhóm tuổi này, các chuyên gia EMA nhận định vắcxin cũng có thể được sử dụng ở nhóm cao tuổi hơn. Hiện EMA cũng đang tiếp tục nghiên cứu ở nhóm người cao tuổi hơn.

Trong bối cảnh còn tranh luận về độ tuổi được khuyến cáo sử dụng vắcxin AstraZeneca, Ủy ban vắcxin thường trực (Stiko) thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cũng ra khuyến cáo rằng với những dữ liệu hiện có, trước mắt chỉ nên tiêm vắcxin AstraZeneca cho nhóm tuổi từ 18 đến 64 tuổi.

Theo Stiko, hiện chưa có đủ dữ liệu để đánh giá về hiệu quả của vắcxin này với những người trên 65 tuổi. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho rằng dựa trên khuyến cáo của Stiko, Đức có thể thay đổi quy định về lứa tuổi ưu tiên được tiêm vắcxin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục