Tình hình dịch COVID-19 diễn biến trái chiều trên thế giới

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 19/11, Indonesia ghi nhận thêm 360 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong trong ngày chỉ ở mức 5 ca - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến trái chiều trên thế giới ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong khi Indonesia ghi nhận tín hiệu tích cực, thì tại một số nước châu Âu, trong đó có Hungary và Bulgaria, số ca nhiễm mới và tử vong đang ngày một gia tăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 19/11, Indonesia ghi nhận thêm 360 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong trong ngày chỉ ở mức 5 ca - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 4.252.705 ca mắc và 143.714 ca tử vong kể từ khi ghi nhận các ca mắc đầu tiên hồi tháng 3/2020.

Hiện số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà chỉ còn 8.154 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm khoảng 570.000 ca trong tháng 7 vừa qua.

Mặc dù Indonesia đã vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, song một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng thứ ba trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Chính vì vậy, ngày 17/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 tại tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 24/12/2021 đến ngày 2/1/2022.

Trong khi đó, Hungary ghi nhận tới 11.289 ca mắc mới trong 24 giờ qua - mức cao chưa từng thấy, trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng trên khắp châu Âu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 18/11, Hungary đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới - một ngày trước khi nước láng giềng Áo quyết định phong tỏa hoàn toàn.

[Hàn Quốc trước nguy cơ tạm dừng kế hoạch sống chung với COVID-19]

Giới chuyên gia cho biết một phần nguyên nhân khiến số ca mắc mới tại Hungary và Áo tăng là do tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp, đồng thời dự đoán số ca mắc mới tại Hungary chưa thể lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng 12 tới. 

Cùng ngày, ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối kiêm phụ trách lực lượng chuyên trách về vaccine của EU, cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 "cực thấp" tại Bulgaria là "nguy cơ lớn" không chỉ đối với nước này mà cho toàn bộ liên minh.

Hiện Bulgaria là nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại châu Âu, với khoảng 26% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 68% của EU. Do đó, phát biểu trong chuyến thăm tới Sofia nhằm thúc đẩy việc tiêm chủng, ông Breton cho rằng nếu không thực hiện bất kỳ hành động nào, biến thể mới có thể xuất hiện tại Bulgaria do có quá nhiều người dân nước này chưa được tiêm phòng.

Virus SARS-CoV-2 có thể lợi dụng "khe hở" này tạo ra một biến thể mới. Nếu điều này xảy ra, đây không chỉ là tin xấu với riêng Bulgaria vì quốc gia này không phải là một hòn đảo riêng biệt.

Trong những tuần gần đây, Bulgaria là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới trong bối cảnh thiếu nhân viên y tế tại các bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục