Tình hình dịch COVID-19 tối 12/9: Số tử vong vượt 920 nghìn người

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 12/9, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 28,7 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 920.607 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 12/9, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 28,7 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 920.607 ca tử vong. Hơn 20,62 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và còn hơn 7,15 triệu người đang được điều trị.

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới ngày thứ hai liên tiếp ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, với 97.570 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện là hơn 4,65 triệu ca.

Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ có hơn 6,4 triệu ca mắc. Tuy nhiên, số ca mắc mới tại Ấn Độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với số ca mắc tăng mạnh khắp các khu vực thành thị cũng như nông thôn tại một số bang lớn và đông dân.

[Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết về ứng phó với dịch COVID-19]

Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ghi nhận thêm 1.007 ca mắc mới, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.

Hồi đầu tuần, giới chức UAE đã cảnh báo số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này đã tăng gấp 5 lần so với 1 tháng trước đó và yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Trong tuần qua, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày tại UAE liên tục tăng và số liệu ngày 12/9 là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này vượt ngưỡng 1.000, cao hơn cả mức đỉnh điểm 994 ca từng ghi nhận ngày 22/5 khi dịch bùng phát đợt đầu tại quốc gia này.

Tới nay, UAE ghi nhận tổng cộng 78.849 ca mắc, trong đó có 399 ca tử vong. Cộng đồng người lao động nhập cư đông đảo tại quốc gia này chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng vì điều kiện sinh hoạt tại những nơi chật chội và kém vệ sinh.

Tình hình dịch COVID-19 tối 12/9: Số tử vong vượt 920 nghìn người ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rasht, Iran, ngày 18/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Iran, một trong những quốc gia chịu tác động mạnh nhất ở khu vực Trung Đông, cũng thông báo tổng số ca tử vong vượt ngưỡng 23.000 sau khi ghi nhận thêm 116 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này là 399.940, tăng 2.139 ca trong 24 giờ qua.

Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân thứ 100 tử vong do COVID-19. Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong, 13 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong ngày 12/9, trong đó có 4 ca nhập cảnh.

Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại vùng lãnh thổ này hiện là 4.938 người. Hong Kong ghi nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tử vong là vào ngày 14/2. Đầu tháng 7, làn sóng dịch bệnh thứ ba đã cướp đi sinh mạng của hơn 80 người tại đây chỉ trong 2 tháng. Riêng trong tháng 8 đã có gần 60 bệnh nhân qua đời. 

Tại Đông Nam Á, ngày 12/9 là ngày thứ 5 liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trên 3.000 ca. Cụ thể, Bộ Y tế Indonesia thông báo thêm 3.906 người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 214.746 người. Số trường hợp tử vong do dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này hiện là 8.650 người - cao nhất khu vực.

Tình hình dịch COVID-19 tối 12/9: Số tử vong vượt 920 nghìn người ảnh 2Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 3/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Philippines cũng ghi nhận thêm 186 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 4.292 người.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày cũng tăng đáng báo động - 4.935 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Philippines hiện là 257.863 người. Philippines là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Malaysia đã đóng cửa trạm kiểm soát biên giới Bukit Kayu Hitam, giáp với tỉnh Songkhla ở miền Nam Thái Lan cho đến ngày 25/9 nhằm kiểm soát dịch COVID-19 ở bang Kedah.

Thông báo trên trang Facebook của Đại sứ quán Thái Lan ở Kuala Lumpur nêu rõ người Thái Lan ở Kedah sẽ không thể về nước qua hai cửa khẩu Bukit Kayu Hitam và Sadao.

Theo Đại sứ quán Thái Lan, công dân nước này đã đăng ký về nước qua cửa khẩu Sadao từ nay cho tới 25/9 nên đăng ký lại và chọn các cửa khẩu khác như Betong, Sungai Kolok hoặc Wang Prachan. Quyết định trên được đưa ra sau khi bang Kedah ghi nhận các ca COVID-19 mới, đặc biệt chỉ riêng trong ngày 9/9 bang này ghi nhận16 ca mới.

Trong khi đó, các nhà chức trách Thái Lan cũng đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt dọc theo biên giới sau khi số lượng các ca COVID-19 mới tăng lên ở các nước láng giềng.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha thông báo nước này có thêm 4.708 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số lên 566.326 ca, mức cao nhất tại khu vực Tây Âu hiện nay. Số ca tử vong tại Tây Ban Nha cũng tăng 6 ca, lên tổng số 29.747 ca.

Tình hình dịch COVID-19 tối 12/9: Số tử vong vượt 920 nghìn người ảnh 3Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 10/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi Tây Ban Nha dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và tiến hành xét nghiệm quy mô lớn từ cuối tháng 6 vừa qua, số ca nhiễm mới tại nước này đã gia tăng trở lại từ mức vài trăm ca lên hàng nghìn ca mỗi ngày.

Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Canada ghi nhận lần đầu tiên kể từ ngày 15/3 nước này không có ca tử vong nào do COVID-19 trong vòng 24 giờ. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Canada là 9.163 ca, tổng số ca mắc tăng lên 135.626 ca sau khi có thêm 702 ca mắc mới.

Brazil ghi nhận thêm 874 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên 130.396 ca. Số ca nhiễm mới tăng thêm 43.718 ca, lên tổng số 4.282.164 ca. Hiện số ca nhiễm và tử vong tại Brazil đang ở mức cao nhất tại khu vực Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Brazil ghi nhận tỷ lệ tử vong trung bình theo tuần giảm và có xu hướng giảm cả về số ca nhiễm và tử vong mới ở hầu hết các khu vực trên cả nước.

Tổng thống Jair Bolsonaro cho rằng Brazil "gần như giành chiến thắng" trong cuộc chiến chống đại dịch sau khi chính phủ đã làm mọi thứ có thể nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh, thông qua viện trợ khẩn cấp cho 65 triệu người, hoặc hỗ trợ các công ty nhỏ.

Chính quyền thủ đô La Habana của Cuba thông báo sẽ kéo dài thêm 2 tuần việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 tại thành phố này do chưa thể hoàn toàn kiểm soát được làn sóng thứ hai của dịch bệnh tại địa phương được xem là tâm dịch tại đảo quốc Caribe này.

Tỉnh trưởng La Habana Reinaldo Garcia Zapata cho biết ngoài các biện pháp hạn chế đã được áp dụng từ đầu tháng 9 này, chính quyền thành phố sẽ “tăng cường hơn nữa sự nghiêm ngặt trong việc thực thi.”

Tình hình dịch COVID-19 tối 12/9: Số tử vong vượt 920 nghìn người ảnh 4Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 29/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Garcia Zapata thừa nhận La Habana vẫn “chưa ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh” trong thành phố sau 2 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế tăng cường. Tới nay quốc gia này đã ghi nhận 4.593 ca mắc COVID-19, trong đó riêng thủ đô La Habana chiếm tới 2.743 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 106 người.

Ngày 12/9, Bộ Y tế Nga cho biết lô vắcxin Sputnik V đầu tiên đã được chuyển từ thủ đô Moskva đến các chủ thể địa phương của Nga. Đợt giao hàng đầu tiên này là đợt thử nghiệm, qua đó các chuyên gia dự định xây dựng chuỗi cung cấp vắcxin cho các chủ thể của Liên bang Nga, cũng như tổ chức tiêm vắcxin cho những người dân thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, đến cuối năm 2021, hơn 1 tỷ người sẽ được tiêm chủng vắcxin Sputnik V do Nga sản xuất. Khoảng 30 nước đã bày tỏ quan tâm vắcxin Sputnik V của Nga.

Cùng ngày, hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca đã thông báo nối lại thử nghiệm lâm sàng theo cách thức ngẫu nghiên đối với vắcxin AZD1222 - một trong những loại vắcxin được đánh giá có tiềm năng nhất ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay.

Trước đó, hãng đã tạm ngừng thử nghiệm này sau khi một tình nguyện viên tại Anh mắc một chứng bệnh chưa xác định. Quyết định nối lại thử nghiệm được đưa ra sau khi một ủy ban độc lập và giới chức hữu quan quốc tế tiến hành đánh giá về dữ liệu an toàn của vắcxin AZD1222 và kết luận các thử nghiệm tại Anh là an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục