Tình hình dịch COVID-19 trưa 7/7 tại nhiều nước trên thế giới

Tính đến 12 giờ 45 trưa 7/7, thế giới ghi nhận 11.747.381 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có đến 540.836 trường hợp tử vong.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 18/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Toronto, Canada ngày 18/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 12 giờ 45 trưa 7/7, thế giới ghi nhận 11.747.381 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có đến 540.836 trường hợp tử vong.

Nhiều người Canada ủng hộ đóng cửa biên giới với Mỹ

Một cuộc khảo sát của Nanos Research cho thấy 81% số người dân Canada được hỏi cho rằng biên giới giữa nước này và Mỹ nên tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới. Số ý kiến ủng hộ việc nối lại hoạt động đi lại bình thường giữa hai nước chỉ vỏn vẹn 3%.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, cuộc khảo sát bằng hình thức trực tuyến và gọi điện, được tiến hành đối với 1.049 người dân Canada trong khoảng thời gian từ ngày 28/6-2/7 vừa qua.

Kết quả cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ ở tất cả các khu vực, vùng lãnh thổ trên toàn Canada và ở mọi lứa tuổi về phương án tiếp tục đóng cửa biên giới giữa Canada và Mỹ.

Chuyên gia Nik Nanos nhận định cuộc khảo sát cho thấy người dân Canada rất lo ngại về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ.

Từ đêm 20/3, biên giới giữa Mỹ và Canada đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu và được kéo dài từ đó đến nay nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

[Tình hình dịch sáng 7/7: Tổng số bệnh nhân ở Mỹ lên hơn 3 triệu người]

Tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ sẽ tiếp tục hạn chế việc đi lại không cần thiết giữa hai nước ít nhất là đến ngày 21/7 tới.

Việc đóng cửa biên giới này không ảnh hưởng đến hoạt động đi lại thiết yếu, chẳng hạn như vận chuyển thực phẩm hay hàng hóa thiết yếu bằng đường sắt và xe tải.

Mexico: Dịch COVID-19 có thể kéo dài đến tháng 4/2021

Tại quốc gia Bắc Mỹ khác là Mexico, Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell cùng ngày cho rằng đại dịch COVID-19 tại nước này có thể kéo dài đến tháng 4/2021 và số ca mắc bệnh dự kiến tăng trong mùa cúm bắt đầu từ tháng Mười và qua cả mùa Đông.

Ông đưa ra cảnh báo này trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Formula của Mexico. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân Mexico nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Theo woldometers.info, đến ngày 7/7, tại Mexico ghi nhận 261.750 bệnh nhân COVID-19, trong đó 31.119 trường hợp tử vong.

Brazil tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng dịch

Tại Brazil, nhiều nhà hàng, quán bar và thẩm mỹ viện tại trung tâm kinh tế Sao Paulo của nước này đã mở cửa trở lại ngày 6/7 sau hơn 100 ngày đóng cửa do dịch COVID-19.

Trong giai đoạn mới nới lỏng biện pháp phòng dịch này, các cơ sở kinh doanh có thể mở cửa tối đa 6 giờ/ngày nhưng không được phép hoạt động quá 40% công suất và phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội. Trong trong giai đoạn trước, chỉ có các cửa hàng và trung tâm thương mại được phép mở cửa trở lại.

Tình hình dịch COVID-19 trưa 7/7 tại nhiều nước trên thế giới ảnh 1Một em nhỏ đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Roraima, Brazil ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trưởng Sao Paulo, Bruno Covas tuyên bố giai đoạn nguy cấp nhất đã qua. Do đó, đây là thời điểm để bắt đầu nối lại hoạt động kinh tế. Số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị chăm sóc đặc biệt giảm xuống dưới 60%.

Tuy nhiên, trên thực tế, số ca mắc COVID-19 tại thành phố đông dân nhất Brazil với hơn 12 triệu dân chưa có dấu hiệu đi xuống. Theo các số liệu chính thức, Sao Paulo đến nay ghi nhận hơn 140.000 ca mắc, trong đó có 7.600 ca tử vong.

Brazil hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới (sau Mỹ)  - hơn 1,6 triệu người và hơn 65.500 người đã tử vong.

Ireland nêu các tiêu chí để nới lỏng cách ly với người từ nước ngoài

Ireland đang cân nhắc kế hoạch nới lỏng các yêu cầu cách ly với những người nước ngoài nhập cảnh, dựa trên những tiêu chí như số ca mắc bệnh, xu hướng và chất lượng xét nghiệm cũng như truy dấu tại các quốc gia tương ứng.

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Ireland Michel Martin cho biết phải đến ngày 20/7, nước này mới có thể công bố sanh sách trên do tình hình dịch bệnh hoàn toàn có thể thay đổi.

Các căn cứ xem xét bao gồm số ca mắc mới trong vòng 14 ngày/100.000 dân, xu hướng dịch bệnh gia tăng hay được kiềm chế và chất lượng rà soát và xét nghiệm có tương đương với quốc gia này hay không.

Chính phủ cũng sẽ siết chặt các quy định yêu cầu khách du lịch cung cấp địa điểm nơi họ thực hiện tự cách ly, hoàn thiện hệ thống điện tử thu thập dữ liệu khách hàng từ các công ty vận hành sân bay và tàu phà.

Được cho là quốc gia thận trọng hơn hầu hết các nước châu Âu trong việc triển khai mở cửa trở lại, từ tháng Ba, Ireland đã khuyến cáo người dân hạn chế những hoạt động đi lại không cần thiết và yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh tự cách ly trong 14 ngày sau khi đến.

Chính phủ tiền nhiệm cam kết công bố danh sách các quốc gia có nguy cơ dịch bệnh tương đương hoặc thấp hơn quốc gia này sẽ được ngoại lệ quy định cách ly.

Tuy nhiên, chính phủ mới đã trì hoãn kế hoạch này do ngày càng nhiều cảnh báo từ các chuyên gia y tế về tình hình dịch bệnh khó lường trên toàn thế giới. 

Ngoài ra, Thủ tướng Martin mới đây cũng cảnh báo nước này có thể hoãn kế hoạch mở cửa toàn bộ các quán rượu trên cả nước sau khi xuất hiện những hình ảnh các đám đông chen lấn bên ngoài một số quán bar trong tuần qua.

Phát biểu trên sóng phát thanh Cork's 96FM, Thủ tướng Martin cho biết chính phủ đang tham vấn các quan chức y tế cộng đồng về vấn đề này. Ông cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức và chủ động tham gia phòng dịch.

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đám đông người xếp hàng bên ngoài một quán bar ở thủ đô Dublin mà không tuân thủ các quy định giãn cách.

Giới chức cảnh báo hiện Ireland đang trong trạng thái phòng dịch rất tốt, hơn hẳn các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà ý thức của người dân sẽ đưa đất nước tới một ngã rẽ khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục