Tình hình tội phạm ma túy ở Tây Bắc vẫn phức tạp

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ rõ tình hình tội phạm ma túy tại vùng Tây Bắc và phụ cận vẫn diễn biến phức tạp.
Ngày 29/6, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 5 thực hiện Kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành phố có liên quan (Kế hoạch 83) được tổ chức tại thành phố Lào Cai, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm nhận định tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện vẫn chưa xóa được triệt để các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; vẫn còn các đường dây do các đối tượng cầm đầu là tội phạm ma túy quốc tế hoặc tội phạm ma túy người Việt đang bị truy nã lẩn trốn ra nước ngoài.

Theo thống kê, các tỉnh vùng Tây Bắc chỉ chiếm khoảng 16,5% dân số cả nước nhưng số người ma túy chiếm tới 27,7% số người nghiện ma túy của cả nước. Tỷ lệ người nghiện ma túy trên 100.000 dân của các tỉnh Tây Bắc là 291 người, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 176 người của cả nước.

Một số tỉnh vùng Tây Bắc vẫn chưa kiềm chế được số người nghiện ma túy như Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An. Công tác cai nghiện tại các trung tâm còn nhiều bất cập, cai nghiện tại gia đình chưa được tổ chức hoặc tổ chức không đúng quy định dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao.

Khu vực Tây Bắc vẫn là nơi tái trồng cây thuốc phiện nhiều nhất, chiếm 71,26% tổng diện tích tái trồng trên địa bàn cả nước; trong đó tập trung tại các địa phương như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ…

Để đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 83 là giảm cầu, chặn cung, triệt nguồn, xóa bỏ việc tái trồng cây thuốc phiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiệm túc Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương cần tập trung vào một số trọng tâm như Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015 thông qua các chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Cùng với việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy với hình thức phù hợp hơn tại địa bàn miền núi, vùng dân tộc, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín của dòng họ nhằm quản lý, giáo dục con em tránh xa tệ nạn ma túy.

Các hoạt động phòng, chống ma túy cần hướng về cơ sở, lồng ghép với việc củng cố cơ sở chính trị và đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng xã, phường không ma túy. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiếp tục tổ chức nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm ma túy ở nội và ngoại biên; xây dựng các phương án phối hợp cụ thể đấu tranh với các đường dây, tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài; quản lý chặt địa bàn và triệt phá dứt điểm các tụ điểm phức tạp ma túy.

Các cơ quan Tư pháp thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy; tổ chức xét xử lưu động, xét xử điểm các vụ án ma túy để giáo dục phòng ngừa và răn đe, trấn áp tội phạm.

Mặt khác, các địa phương cần tiến hành rà soát, nắm chắc số người nghiện ma túy; phân loại người nghiện để áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy theo hướng đa dạng hóa và gắn với cộng đồng; kiên quyết giải quyết triệt để tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện ở khu vực giáp ranh; tăng cường mối quan hệ phối hợp trong tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện cây thuốc phiện; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, cũng như tình trạng thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng trồng, tái trồng; nghiên cứu, áp dụng mô hình phát triển thay thế cây thuốc phiện hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần chủ động phối hợp với các địa phương giáp biên của hai nước Lào và Trung Quốc nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn, triệt xóa các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới; cụ thể hóa các nội dung trong Hiệp định hợp tác phòng, chống ma túy đã ký thành chương trình, kế hoạch phối hợp chi tiết.

Liên Bộ Công an, Quốc phòng, và Tài chính cần có kế hoạch tăng cường lực lượng, ưu tiên kinh phí cho lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm về ma túy; thực hiện tốt Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất nguồn ma túy thẩm lậu qua biên giới.

Nhân dịp này, Bộ Công an trao tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 14 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy trên tuyến Tây Bắc./.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục