Tỉnh Phú Yên quyết liệt ngăn chặn tình trạng chặt phá cây ươi

Nhiều đối tượng đã dùng cưa lốc cắt hạ những cây ươi có đường kính từ 30cm, cao từ 10-20m, thậm chí còn chặt các cây non xung quanh để đốn hạ ươi nhằm hái hạt non, gây phá rừng trên diện rộng.

Trước tình trạng khai thác ươi trái phép, ngày 7/7, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ cây ươi.

Trong văn bản gửi các địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, nghiêm cấm việc chặt hạ và các tác động bất lợi khác làm chết cây ươi; việc khai thác hạt ươi phải theo đúng quy định; Chi cục kiểm lâm Phú Yên phối hợp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trồng rừng, các chủ rừng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng, trong đó có chặt hạ cây ươi trái phép để thu hái hạt, khai thác hạt ươi không đúng theo quy định pháp luật.

Theo thông tin phóng viên được biết, hơn một tháng qua là thời điểm thu hoạch ươi và do được giá nên đã xảy ra tình trạng người dân lén lút vào rừng chặt phá cây ươi để khai thác trái non.

Nhiều đối tượng đã dùng cưa lốc cắt hạ những cây ươi có đường kính từ 30cm trở lên, cao từ 10-20m. Do tán cây ươi rộng hàng chục mét nên sau khi đốn hạ, những đối tượng này đã chặt các cây xung quanh để hái hạt non, gây phá rừng trên diện rộng.

Những người dân địa phương cho biết khoảng 9-10 năm cây ươi mới cho hạt một lần; còn nếu chặt gốc thì phải đến 30 năm sau cây mới nứt lại, đủ sức ra quả.

Trước tình trạng đó, ngành kiểm lâm Phú Yên đã phối hợp với các địa phương cắt cử lực lượng tại các cửa rừng để ngăn chặn tình trạng người dân đi chặt phá ươi; đồng thời tuần tra, kiểm tra thu giữ ít nhất 3 tấn quả ươi vận chuyển trái phép tại địa bàn hai huyện Đồng Xuân và Sông Hinh. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Hiện nay, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân đi lên rừng thu hoạch ươi bằng cách lượm quả hoặc chặt hạ cây để khai thác trái non. Ngoài cửa rừng thường có lực lượng thu mua ươi và vận chuyển ươi bằng xe gắn máy từ điểm khai thác về vùng đồng bằng để bán lại cho các đầu nậu.

Việc chặt hạ cây ươi để khai thác trái non, không chỉ tận diệt tài nguyên rừng mà còn gây ra tai nạn. Mới đây, tại xã Xuân Quang 1 (huyện miền núi Đồng Xuân) đã có một người chết và một người khác bị thương do khi chặt hạ cây ươi đã bị cây ngã đè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục