Tình thế đảo ngược trong cuộc chiến “ngoại giao vaccine” Mỹ-Trung

Thông qua việc hiến tặng vaccine cho thế giới, Mỹ đang nỗ lực bảo vệ và củng cố vị thế toàn cầu trong “ngoại giao vaccine” Mỹ đi sau nhưng xem ra đã giành lấy ưu thế trước đó vốn thuộc về Trung Quốc.
Tình thế đảo ngược trong cuộc chiến “ngoại giao vaccine” Mỹ-Trung ảnh 1Hình ảnh mô phỏng vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi Mỹ và châu Âu lơ là, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội triển khai “ngoại giao vaccine,” cung cấp hơn 300 triệu liều vaccine sản xuất trong nước cho trên 80 quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Mỹ cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước và đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tặng thế giới 500 triệu liều vaccine Pfizer mà không đặt điều kiện trao đổi.

Điều này trái ngược với những thông tin về việc Trung Quốc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 để thúc đẩy lợi ích chính trị, kinh tế.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer của Mỹ cho các nước nghèo nhất trên thế giới để tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ông Biden nhấn mạnh việc hiến tặng vaccine này không đi kèm áp lực buộc ủng hộ hay nhượng bộ nào.

Dự kiến hoạt động quyên tặng vaccine của Mỹ sẽ bắt đầu từ tháng 8/2021. Theo kế hoạch, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tặng tổng cộng 200 triệu liều vào cuối năm 2021 và tiếp tục tặng 300 triệu liều trong nửa đầu năm 2022.

Trước đó, vào ngày 17/5, ông Biden thông báo đến hết tháng 6/2021 sẽ tặng khoảng 80 triệu vaccine cho các nước, gồm 20 triệu liều do các tập đoàn Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson sản xuất và 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca mà Mỹ đã cam kết hỗ trợ các nước.

Chỉ riêng 80 triệu liều vaccine này, như phát biểu của ông Biden, đã gấp 5 lần so với tổng số 15 triệu liều vaccine của Trung Quốc và Nga chia sẻ.

[WHO: Lượng vaccine mà G7 quyên tặng là quá ít và quá muộn]

Tuyên bố hôm 10/6 của ông Biden được đưa ra đúng thời điểm các nước nghèo đang phải đối mặt với làn sóng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 cũng như số ca tử vong vì đại dịch này.

Một điểm đáng chú ý nữa là sau bước đi tiên phong của Mỹ, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine COVID-19 với thế giới thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương.

Đây sẽ là hoạt động cứu trợ lớn nhất của thế giới phương Tây sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vô hình chung mở ra chiến trường mới trong cạnh tranh giữa phương Tây, đứng đầu là Mỹ với Trung Quốc.

Dịch COVID-19 đang lắng dịu ở các nước phát triển Âu-Mỹ, song lại trở nên đáng lo ngại tại nhiều nước khác. Mùa Đông năm ngoái, tình hình dịch tại các nước Âu-Mỹ rất nghiêm trọng, mỗi ngày số ca tử vong vì COVID-19 chiếm tới 70% toàn cầu.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi, số ca tử vong vì COVID-19 ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi hiện nay chiếm 2/3 toàn cầu trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày chiếm 80% toàn cầu.

Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 ở các nước phát triển đã đạt từ 40-60%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước nghèo châu Phi chỉ là 2%, châu Á là 6% và Nam Mỹ khoảng 20%, đa phần mới tiêm 1 mũi.

Nhờ nghiên cứu phát triển vaccine thành công, Mỹ đã đi trước thế giới về tốc độ tiêm chủng và mức độ hồi phục kinh tế. Khi các hoạt động dần trở lại bình thường, Mỹ có thể tập trung hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trước khi Mỹ hiến tặng vaccine cho thế giới, Trung Quốc và Nga giữ vai trò chủ đạo “ngoại giao vaccine.” Nhờ các biện pháp quản lý phòng dịch chặt chẽ, Trung Quốc đã kiểm soát hữu hiệu tình hình dịch bệnh, sau đó phát động thế tiến công ngoại giao nhằm với các nước thuộc Thế giới thứ ba thông qua quyên tặng và bán vaccine sản xuất trong nước.

Theo thống kê, Trung Quốc đã cung cấp hơn 300 triệu liều vaccine cho hơn 80 nước trên thế giới và như nhận định của chuyên gia Hoàng Nghiêm Trung thuộc Hiệp hội Quan hệ Đối ngoại New York, "Trung Quốc hầu như không có đối thủ cạnh tranh trong thời kỳ này." Nhờ “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vaccine,” Trung Quốc đã tạo ra ấn tượng quốc tế về một nước lớn có trách nhiệm hơn Mỹ.

Quả thực khi đó, đối mặt với sự lây lan của dịch bệnh, lại gặp khó khăn trong việc mua vaccine, nhiều nước đã phải chấp nhận vaccine của Trung Quốc.

Khi điều trần trước Ủy ban đánh giá an ninh kinh tế Mỹ-Trung (USCC), R. Evan Ellis, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Mỹ cho biết, dịch bệnh đã đưa tới cho Trung Quốc cơ hội bành trướng tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe và thêm một “quân bài mặc cả.”

Trung Quốc đã sử dụng vaccine như một lá bài mặc cả để yêu cầu chính phủ Brazil và Cộng hòa Dominica rút lại quyết định loại bỏ tập đoàn công nghệ Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G của hai nước này. Tại Honduras, để có vaccine ngừa COVID-19 , Tổng thống Juan Orlando Hernandez phải cam kết sẽ mở một văn phòng thương mại ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây, tình hình đã thay đổi. Trước tiên, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ đã đạt gần 70% mục tiêu đề ra, nhu cầu vaccine trong nước giảm xuống, trong khi năng lực sản xuất vaccine lại tăng tương đối mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ hiến tặng và xuất khẩu vaccine.

Thứ hai, vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ có sức hấp dẫn cao hơn vaccine Trung Quốc. Trung Quốc tới nay mới có 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách khẩn cấp.

Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy rằng vaccine Sinovac của Trung Quốc chỉ ngăn ngừa bệnh có triệu chứng cho hơn một nửa số người được tiêm chủng và ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và nhập viện ở 100% bệnh nhân trong các thử nghiệm. Các loại vaccine do Mỹ phát triển như Pfizer, Modena không chỉ có hiệu quả cao trên 95% mà quan trọng hơn chống được các biến thể của virus SARS-CoV2.

Thứ ba, “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhu cầu trong nước. Trung Quốc không thể chỉ dựa vào việc phong tỏa để chống dịch, cần phải tiêm chủng quy mô lớn mới có thể mở cửa đất nước.

Hiện nay, Trung Quốc mới tiêm được cho khoảng 23% dân số, việc đạt được miễn dịch cộng đồng (80% dân số được tiêm chủng) là một thách thức lớn đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Một khi nhu cầu trong nước tăng mạnh, số lượng vaccine xuất khẩu sẽ giảm xuống. Đặc biệt, sau khi Mỹ hiến tặng và có thể xuất khẩu vaccine, “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc khó càng thêm khó.

Nói tóm lại, vaccine chống dịch bệnh như đạn dược trong chiến tranh. Phát biểu tại Anh, ông Biden tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ trở thành kho đạn dược chống lại COVID-19 giống như Mỹ từng đóng vai trò công binh xưởng của các nước dân chủ trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.”

Thông qua việc hiến tặng vaccine cho thế giới, Mỹ đang nỗ lực bảo vệ và củng cố vị thế toàn cầu của mình và trong “ngoại giao vaccine”, Mỹ đi sau nhưng xem ra đã giành lấy ưu thế trước đó vốn thuộc về Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục