Tình trạng băng tan ở Greenland có thể nhanh hơn dự đoán

Tình trạng băng tan ở Greenland sẽ diễn ra nhanh hơn, kéo theo đó là mực nước biển dâng cao hơn so với dự tính trước đó của giới khoa học.
Tình trạng băng tan ở Greenland có thể nhanh hơn dự đoán ảnh 1Các nhà khoa học dự báo băng ở Greenland sẽ tan nhanh hơn trong những năm tới. (Ảnh: Flickr)

Tình trạng băng tan ở Greenland sẽ diễn ra nhanh hơn, kéo theo đó là mực nước biển dâng cao hơn so với dự tính trước đó của giới khoa học.

Đây là kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Buffalo (Mỹ) công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ ngày 15/12.

Các nhà khoa học sau khi tiến hành 2 nghiên cứu riêng rẽ về tốc độ băng tan tại Greenland, lãnh địa băng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Cực, đã chỉ ra rằng rất có thể những đánh giá trước đây của giới khoa học về tình trạng băng tan ở Greenland vẫn chưa đúng mức.

Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học dựa trên hoạt động của 4 sông băng Jakobshavn, Helheim, Kangerlussuaq và Petermann để xây dựng dự báo về tình trạng băng tan tại Greenland và lượng nước đổ về các đại dương.

Nhưng nghiên cứu mới PNAS sử dụng các dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia của Mỹ (NASA), thu được từ hơn 100.000 điểm có mực nước dâng và đánh giá sự thay đổi của mực nước từ năm 1993 đến 2012, để có cái nhìn toàn cảnh hơn.

Từ đó, các nhà khoa học cũng có được những con số mới về tình trạng băng tan trong những năm gần đây. Các dữ liệu chính xác nhất được ghi nhận từ năm 2003 đến năm 2009 cho thấy mỗi năm có khoảng 243 nghìn tỷ tấn băng tan, khiến cho mực nước tại các đại dương dâng lên 0,68 mm.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Biến đối khí hậu tự nhiên (Nature Climate Change) cũng dựa trên việc phân tích dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết số lượng hồ hình thành trên bề mặt băng ở Greenland sẽ tăng lên gấp đôi trong 50 năm tới.

Để đưa ra đự đoán này, các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình đánh giá sự quy tụ của các dòng nước xuất hiện trên bề mặt Greenland khi băng tan tạo thành các hồ băng. Những hồ này sẽ thu hút nhiều ánh sáng Mặt Trời và những dòng nước chảy khiến cho tình trạng băng tan diễn ra nhanh hơn. Những nghiên cứu trước đây chưa hề nhắc tới tình trạng này khi đánh giá mức độ tan băng ở Greenland.

Hoạt động của các lớp băng tại Greenland là một yếu tố quan trọng để xác định mực nước biển dâng khi Trái Đất ấm dần lên vì biến đổi khí hậu. Do đó, 2 kết quả nghiên cứu trên sẽ là thông tin quan trọng phục vụ quá trình xây dựng và đánh giá các mô hình dữ liệu dự đoán tình trạng băng tan và mực nước biển dâng trong vài trăm năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục