Tình trạng bạo động đe dọa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ

Tình trạng biểu tình phản đối chính phủ gần hai tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đến tương lai của nền kinh tế nước này.
Tình trạng biểu tình phản đối chính phủ mang thiên hướng bạo lực ngày càng tăng kéo dài gần hai tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đến tương lai của nền kinh tế nước này, một trong những thị trường mới nổi đầy hứa hẹn nhất.

Cơ quan thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 1/2013 đã tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm trước và nền kinh tế đang cho thấy khả năng phục hồi đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định nếu những bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn thì nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nguy cơ bị lâm nguy.

Chỉ một tháng sau khi nâng xếp hạng của Thổ Nhĩ Kỳ lên mức đáng đầu tư, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cảnh báo rằng sự bất ổn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa đến ngành du lịch cũng như đầu tư của nước ngoài vào nước này. Nhiều người lo ngại rằng nếu đầu tư nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ bị ngừng lại trong thời gian dài, điều này có thể khiến xếp hạng tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa trở lại mức không nên đầu tư.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng nền kinh tế nước ông đang trở thành mục tiêu bị ảnh hưởng trực tiếp do những sự kiện biểu tình phản đối hiện nay. Môi trường đầu tư đã bị ảnh hưởng và các nhà đầu tư trở nên sợ hãi không dám đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến vị thế của Thủ tướng Erdogan lần đầu tiên trở nên dễ bị ảnh hưởng sau một thập kỷ nắm quyền và có nguy cơ hủy hoại hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước có đa số người dân theo đạo Hồi, một nền kinh tế đang bùng nổ và có các quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Cũng có một số nhà phân tích cho rằng đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng Erdogan là nạn nhân của sự thành công của chính họ. Những chính sách tài khóa của AKP đã củng cố nền kinh tế và hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn giờ đây đang tranh cãi với chính phủ trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến các quyền cá nhân và nền dân chủ.

Ông Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông, cho rằng tầng lớp trung lưu mà AKP đã xây dựng hiện muốn đảng cầm quyền phải đối thoại với họ và nghe họ, chứ không phải bắt họ phải tuân theo. Theo quan điểm của tầng lớp này, dân chủ không chỉ là giành thắng lợi trong bầu cử mà còn là xây dựng sự đồng thuận.

Vì vậy, việc để ngỏ những đường dây liên lạc này là rất quan trọng nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn đi đúng hướng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 4% vào năm tới. Kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối chống chính phủ, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng qua và thị trường chứng khoán Istanbul bị sụt giảm khoảng 11%.

Những thông tin mới nhất cho thấy đến đêm 11/6, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát vẫn diễn ra ở Quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố Istanbul. Tại Thủ đô Ankara, cảnh sát đã dùng vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình phản đối chính phủ. Tính đến nay, làn sóng biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lan rộng đến 78 thành phố trên khắp cả nước.

Theo Hiệp hội Nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất đã có 4 người bị thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát, và khoảng 5.000 bị thương, kể cả do hơi cay, trong các cuộc đụng độ./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục