Tình trạng giảm phát tại Eurozone có thể kéo dài đến quý 4

Theo một khảo sát của Reuters, "căn bệnh" giảm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro sẽ kéo dài đến gần hết năm 2015.
Tình trạng giảm phát tại Eurozone có thể kéo dài đến quý 4 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo một khảo sát của Reuters tiến hành với các nhà kinh tế trong tuần này, "căn bệnh" giảm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ kéo dài đến gần hết năm 2015 này, cho dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã quyết định mua trái phiếu chính phủ.

Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát này cũng nhận định có 25% khả năng Hy Lạp rời liên minh tiền tệ trong năm nay.

Kết quả khảo sát có thể gây thất vọng cho ECB, đặc biệt là sau khi ngân hàng này thông báo về chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 60 tỷ euro mỗi tháng bắt đầu từ tháng Ba tới. Đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát, 20 trong tổng số 32, cho rằng chương trình này là không đủ để đưa lạm phát lên mức trần mục tiêu của ECB là 2% từ mức âm 0,6% hiện nay.

Cuộc khảo sát lần này cho thấy giá tiêu dùng có thể tiếp tục giảm so với năm ngoái cho đến quý 4 năm nay, trong khi theo khảo sát tháng trước, các nhà kinh tế dự đoán điều này sẽ chỉ diễn ra từ tháng Một cho đến tháng Ba. Cho cả năm, mức lạm phát trung bình được dự báo là âm 0,2%, so với mức dự báo được đưa ra trong cuộc khảo sát trước là 0,2%.

Nếu những dự đoán được đưa ra trong cuộc khảo sát là đúng thì như vậy Eurozone sẽ trải qua giai đoạn giảm phát dài nhất kể từ khi ra đời năm 1999 và ngược lại với khẳng định của các nhà hoạch định chính sách rằng khu vực này sẽ tránh được giảm phát. Nhà kinh tế Elwin De Groot ở Rabobank cho rằng cần tăng hiệu quả của QE trong sự phối hợp với việc đẩy mạnh chính sách tài khóa và các cải cách cơ cấu.

Tuy nhiên, giảm phát không phải là rủi ro duy nhất mà Eurozone đang đối mặt. Ý định từ bỏ chương trình khắc khổ của chính phủ mới ở Hy Lạp sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng chỉ 25% khả năng Hy Lạp rời Eurozone trong năm nay, một con số vẫn là cao nhất trong các cuộc khảo sát mà Reuters tiến hành, kể cả các cuộc diễn ra vào cao điểm của khủng hoảng nợ là năm 2011-2012.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 10/2 đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về kế hoạch hủy bỏ chương trình cứu trợ và kết thúc nhiều năm khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế mà hệ lụy là thất nghiệp cao đáng báo động. Tuy nhiên, Đức, ECB và các nước chủ nợ khác vẫn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào trước Hy Lạp, đặc biệt là nếu nước này đi chệch chương trình cải cách.

Tăng trưởng kinh tế của Eurozone được dự báo có thể đạt trung bình 1,1% trong năm nay và 1,6% trong năm tới, xấp xỉ các mức dự báo trong cuộc khảo sát trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục