Tình trạng lâm tặc trộm nghiến ở Tuyên Quang: Khó tránh khỏi!

Ông Nguyễn Bảo Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, cho biết tình hình khai thác gỗ trái phép đến nay vẫn diễn biến rất phức tạp, nên không thể khẳng định là không có.
Tình trạng lâm tặc trộm nghiến ở Tuyên Quang: Khó tránh khỏi! ảnh 1Lâm tặc trộm nghiến ở một khu rừng của tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh chụp năm 2012. HV/Vietnam+)

Theo phản ánh của ông H.V.K ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, tình trạng lâm tặc khai thác gỗ nghiến trái phép ở Khu bảo bảo tồn Tát Kẻ-Bản Bung (Rừng đặc dụng Na Hang, Tuyên Quang) vẫn tiếp diễn phức tạp, nhất là vào ban đêm.

Theo lời ông K, sở dĩ ông phát hiện tình trạng lâm tặc “trộm” nghiến là vì ông thường xuyên đi vào rừng tìm cây thuốc về chữa bệnh tiểu đường cho người dân. Trong một số lần vào rừng, ông đã nghe tiếng cưu gầm rú và tận mắt chứng kiến những cây gỗ nghiến có đường kính lớn bị cưa đổ còn nguyên màu “máu” gỗ.

“Việc lâm tặc khai thác nghiến có gì lạ đâu, vì kiểm lâm họ chỉ chạy xe ở ngoài đường thôi. Có khi kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc phá rừng?... Thông thường gỗ nghiến sau khi khai thác, lâm tặc vứt từng khúc gỗ xuống sông rồi vận chuyển, thế là xong,” ông K chia sẻ.

Mang thông tin của ông K tới gặp cơ quan chức năng, ông Nguyễn Bảo Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang nói, tình hình khai thác gỗ trái phép vẫn diễn biến rất phức tạp, nên không thể khẳng định là không có. “Về việc này, chúng tôi sẽ đôn đốc cán bộ vào kiểm tra, xử lý,” ông Anh nói.

Ông Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã làm rất quyết liệt, nhưng cũng không thể tuyệt đối được. Do đó, việc nay xảy ra một vụ, mai xảy ra một vụ khai thác nghiến trái phép là không thể tránh khỏi.

Trước đề nghị của phóng viên Vietnam+ về số liệu các vụ việc vi phạm liên quan đến khai thác gỗ, ông Anh cho biết mỗi năm toàn tỉnh Tuyên Quang xử lý từ vài trăm đến trên dưới 1.000 vụ vi phạm, trong đó có cả khai thác và vận chuyển. Riêng trong quý I năm 2015 đã có hơn 200 vụ vị phạm.

“Thông thường các đối tượng sử dụng xe máy, xe khách, ôtô con để vận chuyển gỗ, một số nơi dân khai thác để sử dụng tại chỗ. Trong số các loại gỗ khai thác trái phép có cả gỗ mỡ và gỗ nghiến. Đối với những vụ bị bắt giữ, lực lượng kiểm lâm sẽ chuyển cho Trung tâm đấu giá của tỉnh để bán,” ông Anh thông tin.

Chia sẻ về công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại lực lượng kiểm lâm trên toàn tỉnh có 280 người, do đó nếu mỗi xã chỉ có một kiểm lâm quản lý thì quả là hết sức khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục