Tình trạng phá rừng Amazon tiếp tục tăng tháng thứ tư liên tiếp

Số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho biết chỉ tính riêng trong tháng Tám, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp ba lần lên 1.700,8 km2.
Tình trạng phá rừng Amazon tiếp tục tăng tháng thứ tư liên tiếp ảnh 1Một khoảng rừng mưa Amazon ở bang Amazonas, Brazil ngày 24/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Brazil công bố ngày 6/9 cho thấy trong tháng 8/2019, tình trạng phá rừng nhiệt đới Amazon tại nước này đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, qua đó gia tăng thêm những mối lo ngại về các đám cháy đang tàn phá khu vực này.

Cụ thể, số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho biết tính từ đầu năm tới tháng 8/2019, tỷ lệ rừng Amazon bị phá đã tăng 92% lên 6.404,8km2, lớn hơn diện tích của bang Delaware tại Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng Tám, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp ba lần lên 1.700,8 km2.

Theo nhà nghiên cứu Ana Paula Aguiar tại INPE, hoạt động phá rừng thường được nối tiếp bằng việc đốt rừng để giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ cho việc trồng trọt hoặc canh tác. Do đó, tình trạng phá rừng của tháng Tám có thể báo hiệu sẽ còn nhiều đám cháy xảy ra ở Amazon trong thời gian tới.

Trong năm ngày đầu tiên của tháng Chín, INPE đã ghi nhận 2.799 vụ cháy ở Amazon, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2018.

Bà Aguiar nói rằng nếu tiếp tục duy trì tỷ lệ này, tình hình cháy rừng trong tháng Chín có thể giảm xuống dưới mức ghi nhận cùng kỳ một năm trước cũng như thấp hơn mức trung bình trong 20 năm qua. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để có thể lạc quan như vậy.

[Diện tích rừng Amazon bị phá hủy trong hơn 3 năm qua]

Giữa bối cảnh đó, vào cùng ngày ngày 6/9, tại thị trấn Leticia thuộc miền Nam Colombia, các nguyên thủ và đại diện của Colombia, Peru, Bolivia, Brazil, Ecuador, Suriname và Guayana đã ký Hiệp ước Leticia vì rừng Amazon nhằm thúc đẩy hành động của cộng động quốc tế bảo vệ “lá phổi xanh của hành tinh."

Lãnh đạo bảy nước ký văn bản trên nhằm tìm kiếm biện pháp bảo vệ sự đa dạng sinh học, đấu tranh chống nạn phá rừng dựa trên chính sách và khung pháp lý của mỗi nước. Đại diện các nước cam kết cụ thể hóa những sáng kiến về phục hồi và tái trồng rừng tại những vùng bị ảnh hưởng bởi trận hỏa hoạn vừa qua.

Hiệp ước Leticia gồm 16 điểm chính, trong đó gồm việc xây dựng một mạng lưới hợp tác vùng Amazon để trao đổi thông tin, kinh nghiệm đối phó với thảm họa cháy rừng.

Các bên nhất trí giám sát độ che phủ của rừng Amazon qua vệ tinh để phản ứng kịp thời đối với tình huống khẩn cấp, đồng thời cho rằng cần thúc đẩy hành động chung, tăng khả năng tham gia của người dân bản địa, các bộ tộc, cộng động địa phương, cũng như trao quyền cho những phụ nữ sống trong vùng rừng Amazon trong việc bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững.

Đại diện các nước cam kết thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, phát triển kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và nâng cao nhận thức của người dân vùng Amazon về vai trò và tầm quan trọng của nơi được coi là “lá phổi xanh của hành tinh."

Ngoài ra, lãnh đạo bảy nước cũng ủng hộ việc huy động nguồn lực công và tư để thực hiện các cam kết và sáng kiến bảo vệ rừng.

Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục