Tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức trên 27%

Quấy rối tình dục ở trong, ngoài tòa soạn là một trong những vấn đề bình đẳng giới lớn nhất mà các nhà báo gặp phải, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27%.
Tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức trên 27% ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Chiều 22/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện đào tạo báo chí FOJO (Thụy Điển), Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm Báo chí về đề tài bình đẳng giới.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện Ban Tổ chức, tọa đàm không chỉ công bố chính thức kết quả “Nghiên cứu về giới trong lĩnh vực báo chí Việt Nam” của Viện đào tạo báo chí FOJO mà còn tập trung làm rõ các vấn đề như báo chí thực hiện vai trò tuyên truyền về bình đẳng giới như thế nào; cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của báo chí trong công tác tuyên truyền về vấn đề bình đẳng giới; bình đẳng giới trong nghề làm báo hiện nay như thế nào…

Tại tọa đàm, đa số các đại biểu đều thống nhất ngành báo chí Việt Nam có những điểm mạnh về bình đẳng giới so với nhiều nước trong khu vực, cụ thể, không có sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ; nữ giới bắt đầu có cơ hội thăng tiến tốt nhất trong ngành báo chí ở mức quản lý cấp trung.

Tuy vậy, quấy rối tình dục ở trong, ngoài tòa soạn là một trong những vấn đề bình đẳng giới lớn nhất mà các nhà báo gặp phải.

Nghiên cứu bình đẳng giới trong báo chí Việt Nam do Viện đào tạo báo chí FOJO phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển tiến hành vào tháng 9/2017 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn so với tỷ lệ nam trong ngành báo chí.

Tuy vậy, nhiều chính sách, cơ chế trong ngành chưa hướng tới mục tiêu xử lý những vấn đề mà các phóng viên nữ gặp phải.

Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Viện đào tạo báo chí FOJO Jaldeep Katwala cho rằng nghiên cứu ghi nhận tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27%.

Song, chính các nhà báo cũng có cách hiểu chưa thống nhất về các yếu tố cấu thành hành vi quấy rối tình dục. Trong khi đó, hầu hết các tòa soạn lại chưa có chính sách, đào tạo phòng chống hành vi này.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về thúc đẩy bình đẳng giới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và là một trong những nước thu hẹp khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn là vấn đề nóng trong chương trình nghị sự quốc gia, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Để tạo ra những chuyển biến toàn diện, triệt để, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới có vai trò quan trọng, trong đó truyền thông có vai trò then chốt.

Các cơ quan báo chí truyền thông nói chung cũng như các nhà báo là nhân tố trực tiếp, tạo nên những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các nhà báo nữ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế nghề nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, đấu tranh đòi bình đẳng giới.

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnam Plus (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ một số vấn đề trong tuyên truyền về bình đẳng giới hiện nay và câu chuyện bình đẳng giới ở tòa soạn báo điện tử.

Theo bà Tám, hàng ngày, hàng giờ trên các trang báo, trang mạng xã hội có rất nhiều bài viết, thông tin về vấn đề bình đẳng giới. Thực tế, truyền thông cho chúng ta nhìn thấy góc khuất của vấn đề bình đẳng giới; tuy nhiên nếu truyền thông không chuẩn xác vô hình trung sẽ gián tiếp cổ xúy cho những quan điểm sai lệch về bình đẳng giới, khiến người phụ nữ bị tổn thương, làm mất cơ hội của thăng tiến của họ.

Thông tấn xã Việt Nam có tổng số hơn 3.000 cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên, trong đó hơn 50% là nữ. Mới đây, Thông tấn xã Việt Nam đã có Phó Tổng Giám đốc là nữ.

Tại Tòa soạn Báo điện tử Vietnam Plus, nơi có 28/44 nhân viên là nữ và 8/12 lãnh đạo là nữ, bất kể nam hay nữ đều tham gia các công việc tại tòa soạn hàng ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm.

Tiếng nói của nam và nữ trong hoạch định kế hoạch của tòa soạn là bình đẳng. Trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển, việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng truyền thông mới tại tòa soạn không phân biệt là nam hay nữ.

Phụ nữ tập trung vào các đề tài xã hội, đối tượng dễ bị tổn thương khiến cho tòa soạn cân bằng hơn.

Cùng chung quan điểm đó, bà Trần Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển cho rằng vai trò của nhà báo nữ đã tiến một bước rất dài trong ngành báo chí.

Các nhà báo nữ đã không còn khó xin việc do định kiến của các tòa soạn đối với họ như trước kia.

Tuy vậy, các buổi thảo luận nhóm với các nhà báo do Viện đào tạo báo chí FOJO phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển tiến hành cho thấy nạn quấy rối, đối với cả nhà báo nữ và nhà báo nam, là một lực cản ảnh hưởng đến chất lượng công việc, sức khỏe tinh thần của một bộ phận nhà báo.

Trong thời gian tới, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ các nhà báo trong việc tăng cường bình đẳng giới trong tòa soạn, hỗ trợ đưa thông tin báo chí có hiểu biết về bình đẳng giới, phòng chống và giảm thiểu hậu quả các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục