Tình trạng sử dụng xe tự chế vẫn khá phổ biến

Tình trạng sử dụng xe tự chế trên quốc lộ vẫn khá phổ biến

Tình trạng sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông như công nông, xe ba bánh tự chế vẫn khá phổ biến ở một số tỉnh, thành.

Hiện nay tình trạng vi phạm sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông theo quy định tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ vẫn khá phổ biến ở một số tỉnh, thành phố, nhất là với loại xe công nông, xe ba bánh tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ để phục vụ vận chuyển, chăm sóc cây nông nghiệp, công nghiệp.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời điểm năm 2008 cả nước có tới hơn 15.770 xe công nông tự chế cần phải loại bỏ. Các xe này không được kiểm định cấp giấy chứng nhận để tham gia giao thông.

Từ năm 2009 đến nay, những xe ba bánh tự chế không được phép kiểm tra để đăng ký biển số tham gia giao thông. Xe ba bánh dùng cho người khuyết tật sản xuất, lắp ráp mới phải tuân thủ kiểm tra chất lượng trong sản xuất lắp ráp, nhập khẩu theo quy định. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thay thế đến năm 2010 mới thực hiện được hơn 6.000 xe công nông, chưa kể số lượng xe do người dân tự chế phát sinh trong thời gian từ năm 2008 đến nay.

Tại cuộc họp tổng kết công tác quản lý và hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh; xe thô sơ ba, bốn bánh do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhận định về cơ bản việc chuyển đổi, thay thế đã được thực hiện trên cả nước. Nguồn kinh phí hơn 866 tỷ đồng đã hỗ trợ cho các chủ phương tiện để dừng hoạt động 154.220 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ít gây xáo trộn về cuộc sống và sản xuất kinh doanh của người dân.

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, vẫn còn một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc Nghị quyết 32 về loại bỏ xe tự chế, ba bốn bánh như Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận và Hà Nội.

Có những địa phương có số lượng phương tiện là công nông lớn thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ để chuyển đổi, tuy nhiên do thủ tục hồ sơ chưa đủ hoặc không có, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thực hiện chính sách của Chính phủ. Ví dụ, tại Đắk Lắk có tới gần 3.000 xe công nông và xe tải quá niên hạn song chỉ có 352 xe công nông các loại được hỗ trợ chuyển đổi.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Việt Nam chưa ra được tiêu chuẩn về xe cơ giới, trong khi các loại xe tự chế lại rất nhiều, không thể đưa vào trung tâm đăng kiểm để kiểm định như xe ôtô được.

Sau hội nghị này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo chính thức với Chính phủ kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới, trong đó, cần sớm ban hành quy định về đăng kiểm, quy định tiêu chuẩn xe, nghiên cứu kỹ tiến tới chuẩn hóa việc này, từ khung thấp nhất đến cao nhất.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc cần thiết phải làm ngay là nghiên cứu đề xuất phương thức đào tạo lái xe, sát hạch và cấp giấy phép phù hợp cho các chủ phương tiện thay thế, nhất là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Để phù hợp, các đơn vị chức năng có thể cắt bớt một số thủ tục rườm rà nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề chất lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp đình chỉ các phương tiện, nghiên cứu chính sách với các nhà sản xuất cũng như với những đối tượng có nhu cầu sử dụng phương tiện.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục