TKV sẽ hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp cuối năm 2015

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam khẳng định sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp vào cuối năm 2015.
TKV sẽ hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp cuối năm 2015 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, Tập đoàn này đang triển khai tái cơ cấu theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc triển khai được tiến hành đồng bộ từ Công ty mẹ Tập đoàn đến các công ty con, đặc biệt là các Tổng công ty trong Tập đoàn.

Theo đó, TKV đã hoàn thành chuyển đổi 9 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất than thành Chi nhánh của Tập đoàn, bao gồm các công ty Than: Mạo Khê, Quang Hanh, Nam Mẫu, Dương Huy, Thống Nhất, Khe Chàm, Hạ Long, Hòn Gai và Hồng Thái.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vật tư vận tải xếp dỡ; triển khai các thủ tục định giá doanh nghiệp, xây dựng phương án để cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực theo tiến độ.

Mặt khác, TKV còn hợp nhất 3 trường đào tạo, phối hợp với Bộ Quốc phòng bàn giao Tổng công ty Đông Bắc về Bộ này quản lý.

Về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo ông Biên, tổng số vốn đầu tư của TKV tại các dự án ngoài ngành chiếm tỷ lệ nhỏ (1,5%) trong tổng số vốn chủ sở hữu của Tập đoàn và các dự án này vẫn sản xuất kinh doanh có hiệu quả trừ dự án Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, góp vốn với Vinashin hiện còn khó khăn. Do vậy, việc thu hồi vốn đầu tư của TKV nhìn chung có thể hoàn thành được trong giai đoạn 2014-2015.

Ông Biên cũng khẳng định TKV sẽ đảm bảo đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu TKV, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp.

TKV cho biết, hiện nay, các loại thuế và phí tiếp tục tăng cao làm cho cân đối tài chính của Tập đoàn còn khó khăn khiến tiền lương của người lao động chưa đạt kế hoạch.

Cụ thể như thuế tài nguyên tăng thêm 2% từ 1/2/2014, tương đương tăng gần 1.000 tỷ đồng/năm; tiền cấp quyền khai thác và phí sử dụng tài liệu của nhà nước phải nộp từ năm nay là trên 1.000 tỷ đồng/năm. Do vậy, tiền lương của người lao động còn thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển dụng và giữ chân thợ lò đang gặp nhiều khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục